Vôi hóa cột sống đang dần trở thành chứng bệnh phổ biến hiện nay, không ít người biết đến chứng bệnh này và cũng không ít bệnh nhân phải chịu ảnh hưởng bởi nó. Vậy vôi hóa cột sống là gì?, nguyên nhân do đâu?, dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là gì?, bệnh có nguy hiểm không?, hay điều trị vôi hóa cột sống như thế nào? Câu trả lời cung cấp các kiến thức liên quan đến vôi hóa cột sống sẽ có trong bài viết dưới đây.
Vôi hóa cột sống là gì?
Vôi hóa cột sống là tình trạng lắng tụ canxi (calci) ở các dây chằng bám vào thân đốt sống hay ở các mỏm gai, mỏm ngang của cột sống. Điều này làm cho người bệnh vận động khó khăn; các dây thần kinh và mạch máu ở vùng bị vôi hóa của người bệnh cũng bị chèn ép gây ra cảm giác đau đớn. Bệnh thường xuất phát từ hiện tượng lão hóa tự nhiên của cơ thể và thường có các yếu tố thúc đẩy quá trình này như: Dây chằng vùng cột sống bị quá tải do vận động sai tư thế hoặc làm việc nặng, quá trình viêm do nhiễm trùng. Bệnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng vận động cũng như cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân cho nên người bệnh cần được chẩn đoán kịp thời và điều trị với phác đồ thích hợp.
Nguyên nhân gây vôi hóa cột sống
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến vôi hóa cột sống. Thứ nhất là xương bị thoái hóa và trở nên xốp do máu không cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết để nuôi xương. Thứ hai là do quá trình trao đổi chất giảm, tăng thoái hóa các tế bào ở người cao tuổi (hay nguyên nhân thứ hai là do tuổi tác). Thứ ba là các khớp xương bị chèn ép và khí huyết lưu thông kém dẫn đến các tế bào xương thiếu dần dinh dưỡng, điều này xảy ra do người bệnh ít vận động, ngồi làm việc một chỗ quá lâu.
Ngoài ra, tình trạng lắng đọng canxi bất thường cũng là một nguyên nhân của bệnh. Tình trạng này xuất hiện mà không rõ nguyên nhân tại sao và nếu không được phát hiện và khắc phục sớm sẽ dẫn đến lượng calcipyrophosphat bám vào dây chằng tạo ra gai cột sống hoặc vôi hóa. Từ những nguyên nhân nêu trên, có thể rút ra được một số đối tượng có khả năng bị vôi hóa cột sống cao hơn người bình thường. Đó là: người cao tuổi, người lao động nặng hoặc lười vận động, người thừa cân béo phì hoặc ăn uống thiếu chất lâu ngày và người có bất thường trong việc thu nạp canxi.
Dấu hiệu vôi hóa cột sống
Vôi hóa cột sống có một số biểu hiện, triệu chứng cụ thể. Một là, người bệnh bị đau lưng và cứng các khớp ở bả vai, hông, đùi và cổ, dần dần ở các vị trí này sẽ dẫn đến hiện tượng vôi hóa như vôi hóa đốt sống cổ, vôi hóa đốt sống thắt lưng; hai là, người bệnh bắt gặp cảm giác tê bì bàn tay, bàn chân do lúc này bệnh đã ảnh hưởng đến tủy sống cũng như dây thần kinh liên chi, bệnh nhân có thể bị teo cơ nếu không được điều trị kịp thời. Các triệu chứng trên có thể kéo dài dai dẳng hoặc theo chu kỳ. Ba là rối loạn đại, tiểu tiện – một biểu hiện nặng do vôi hóa, chính là tình trạng giảm hoặc mất khả năng điều khiển cơ bàng quang và ruột. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, ù tai hay giới hạn vận động.
Khi xuất hiện một hoặc nhiều những triệu chứng nêu trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán sớm. Các bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân cùng với kết quả xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết để chẩn đoán chính xác cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nếu người bệnh bị vôi hóa cột sống. Các kỹ thuật được dùng là chụp X quang, chụp CT scan cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ MRI và xét nghiệm máu.
Vôi hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không?
Tuy vôi hóa cột sống không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh, song bệnh này vẫn được xếp vào một trong những bệnh xương khớp nguy hiểm. Bởi lẽ, bên cạnh những triệu chứng đã nêu trên gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và sinh hoạt của bệnh nhân, vôi hóa cột sống còn có thể để lại những biến chứng nguy hiểm khi bệnh tiến triển nặng và phát triển thành mãn tính. Một số biến chứng của vôi hóa cột sống là thoát vị đĩa đệm, hẹp tủy sống, gù lưng, biến dạng xương và thậm chí là yếu cơ, bại liệt.
Cách chữa vôi hóa cột sống
Nhìn chung, vôi hóa cột sống khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, mục tiêu của quá trình điều trị là kiểm soát và giảm bớt các triệu chứng, làm chậm quá trình lão hóa đốt sống và ngăn chặn các biến chứng nghiêm trọng. Tùy vào mức độ bệnh mà bệnh nhân được điều trị bằng các phương pháp khác nhau như dùng thuốc điều trị, vật lý trị liệu hay liệu pháp Đông y.
Cụ thể, với phương pháp dùng thuốc Tây y, một số loại thuốc thường được dùng có thể kể đến như: Thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol), thuốc giảm đau chống viêm (Piroxicam, Diclofenac, Meloxicam), thuốc giãn cơ (Mydocalm, Cyclobenzaprine, Metaxalone) và thuốc giúp tăng cường mật độ sụn khớp (Chondroitin, Glucosamine).
Với phương pháp vật lý trị liệu, các liệu pháp được sử dụng thường là châm cứu, bấm huyệt, mát-xa; phương pháp kéo giãn cột sống,… Bên cạnh đó, các y sĩ cũng có thể chỉ định chiếu tia hồng ngoại, điện trị liệu hoặc nhiệt trị liệu,… tùy từng ca bệnh cụ thể. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể kết hợp với việc sử dụng thuốc Đông y để tăng cường hiệu quả điều trị. Lưu ý trong quá trình trị liệu, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ để có hiệu quả tốt và tránh những hậu quả không mong muốn.
Xem thêm:
- Gai đốt sống cổ là gì? Mẹo chữa hiệu quả tại nhà
- Gai đôi cột sống S1 có biểu hiện gì và cách điều như thế nào?
Bài viết trên đã cung cấp cho người đọc những điều cần biết về vôi hóa cột sống, hy vọng có thể giúp ích một phần nào đó cho người đọc và gia đình. Nếu bạn bắt gặp những triệu chứng liên quan, hãy đi thăm khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, dù bệnh ở mức độ nào thì người bệnh cũng cần tuân thủ nghiêm túc theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc, chế độ ăn uống cũng như chế độ vận động trong quá trình điều trị.