Viêm khớp cùng chậu là tình trạng khá khó để chẩn đoán, chúng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý có cùng triệu chứng khác. Do đó, nhiều người gặp phải hiện tượng đau nhức ở vùng khớp cùng chậu thường chủ quan vì nghĩ đó là hiện tượng đau lưng thông thường. Bệnh lý này sẽ rất nguy hiểm nếu để lâu, vì vậy người bệnh cần tìm hiểu kỹ các thông tin để lường trước được nguy cơ và phòng tránh tối đa các biến chứng.
Khớp cùng chậu là khớp gì?
Khớp cùng chậu là một bộ phận có chức năng kết nối xương cùng cụt nằm ở dưới của cột sống thắt lưng với phần xương trên của xương chậu hay còn gọi là xương cánh chậu. Cấu tạo của khớp cùng chậu vô cùng đặc biệt. Chúng được ghép nối theo hình dạng chữ L hoặc chữ C. Cũng chính vì thế mà phạm vi cử động của khớp cùng chậu là tương đối nhỏ.
Ở những người bình thường, hai khớp cùng chậu nằm ở vị trí phía sau, giữa hai mông. Khi khớp cùng chậu bị tổn thương, chúng thường gây ra các cơn đau nhức khó chịu ở khu vực này. Do đó, người bệnh rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường như đau hông, đau lưng hay tê chân do ngồi lâu.
Viêm khớp cùng chậu là gì?
Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm nhiễm, sưng đau ở một hoặc cả 2 bên khớp xương cùng. Hiện tượng này còn được xem như là một phần của viêm cột sống, viêm đại tràng hay bệnh Crohn. Vì khi khởi phát, chúng thường xảy ra cùng với các bệnh lý liên quan khác như: Viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp phản ứng…
Trong một số trường hợp, viêm nhiễm khớp cùng chậu còn dùng để chỉ chứng rối loạn chức năng của khớp xương cùng. Bởi vì các tình trạng này đều để mô tả những cơn đau nhức có xuất phát từ bộ phận khớp xương cùng. Các cơn đau của viêm khớp ở khớp cùng chậu thường phổ biến ở lưng dưới rồi có thể lan ra hông, mùi, mông… Bệnh sẽ rất khó để điều trị hiệu quả nếu như không được chẩn đoán chính xác.
Triệu chứng viêm khớp cùng chậu
Các triệu chứng đặc trưng và phổ biến nhất của viêm khớp cùng chậu đó chính là hiện tượng đau đớn ở vùng mông và lưng dưới. Sau một thời gian tiến triển, cơn đau sẽ có xu hướng lan nhanh ra các bộ phận lân cận, khiến cho người bệnh gặp phải các dấu hiệu như sau:
- Đau háng, tê bì chân và bàn chân khi ngồi lâu.
- Căng cứng ở hông và lưng, đặc biệt là sau khi ngủ dậy vào buổi sáng.
- Xuất hiện cơn đau nhói ở lưng khi đang ngồi rồi chuyển qua tư thế đứng.
- Rất khó để xoay hông.
- Cơn đau tăng mạnh khi di chuyển nhanh hoặc chạy.
Ngoài các dấu hiệu trên, người bệnh còn có thể xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác tùy vào nguyên nhân và giai đoạn phát triển của bệnh lý.
Nguyên nhân viêm khớp cùng chậu
Bệnh viêm khớp cùng chậu có thể xuất phát từ rất nhiều nguồn nguyên nhân khác nhau như là: Do chấn thương sau tai nạn, sự thay đổi đột ngột hormone và trọng lượng cơ thể trong quá trình mang thai, rủi ro sau phẫu thuật khớp, viêm nhiễm vệ sinh vùng kín, yếu tố di truyền, dị tật bẩm sinh…
Ngoài ra, các tổn thương ở khớp cùng chậu còn có thể liên quan tới những bệnh lý về xương khớp đang phát triển âm thầm trong cơ thể như:
- Viêm cột sống dính khớp
Tình trạng viêm khớp xương chậu chính là một trong những triệu chứng thường gặp ở người bị viêm cột sống dính khớp. Bệnh lý này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khớp nằm trên cột sống.
- Bệnh viêm khớp xương cùng nhiễm khuẩn
Mặc dù không quá phổ biến, nhưng viêm khớp xương cùng nhiễm khuẩn cũng là một trong các nguyên nhân gây viêm ở khớp cùng chậu. Đây là bệnh lý do loại vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra.
- Bệnh viêm khớp vảy nến
Viêm khớp vảy nến có thể làm lây lan và viêm nhiễm ở rất nhiều các khớp khác trên cơ thể và không loại trừ khớp cùng chậu.
- Bệnh viêm xương khớp
Viêm xương khớp hay thoái hóa đốt sống đều bắt nguồn từ sự hao mòn tự nhiên theo thời gian của hệ thống xương khớp. Khi bệnh phát triển mạnh chúng có thể gây tổn thương và viêm khớp cùng chậu.
Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không?
Viêm khớp cùng chậu hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và áp dụng các phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh sẽ được kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc, kết hợp các bài tập trong vật lý trị liệu hoặc dùng phương pháp phẫu thuật. Với mỗi nguồn nguyên nhân gây bệnh khác nhau, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá tình trạng, từ đó đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, hiện tượng viêm ở khớp cùng chậu thường gây ra những cơn đau mãn tính, dai dẳng nên quá trình điều trị sẽ mất nhiều thời gian và khá khó để ngăn chặn dứt điểm. Vì vậy người bệnh cần kiên trì thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ và đi thăm khám ngay khi thấy các triệu chứng của bệnh xuất hiện.
Cách điều trị viêm khớp cùng chậu
Những cách được áp dụng để chữa trị căn bệnh viêm khớp cùng chậu được chuyên gia khuyên dùng đó là:
Các biện pháp chăm sóc tại nhà
Trước tiên, để cải thiện các cơn đau và khả năng vận động, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như:
- Chườm nóng hoặc lạnh để cải thiện tình trạng đau nhức
- Kê gối dưới hai đầu gối khi ngủ
- Luyện tập các động tác vận động nhẹ nhàng để làm tăng tính linh hoạt của vùng lưng và hông
- Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn
- Tránh bê vác hay hoạt động mạnh gây áp lực lên vùng khớp bị tổn thương…
Ngoài ra, các phương pháp thường được chỉ định để điều trị viêm khớp cùng chậu đó là:
Áp dụng biện pháp điều trị vật lý trị liệu
Các chuyên gia vật lý trị liệu có thể dùng cách massage, bấm huyệt, các bài tập vận động, xông hơi, châm cứu… để làm dịu đi cơn đau và tăng cường chức năng của hệ thống cơ, xương khớp. Người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập chuyên dụng để đặc trị chứng viêm vùng khớp cùng chậu.
Dùng thuốc giảm đau
Sau khi đã tìm hiểu kỹ càng nguyên nhân và tiến hành làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng người bệnh. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như: Thuốc giảm đau không kê đơn hoặc có kê đơn, thuốc giãn cơ, thuốc ức chế TNF để làm giảm cơn co thắt, đau mỏi và ức chế quá trình viêm nhiễm.
Áp dụng các thủ thuật, phẫu thuật
Đây là phương pháp cuối cùng sau khi áp dụng các cách điều trị nêu trên đều thất bại. Khi tình trạng đau nhức trở lên dữ dội và khó kiểm soát, bác sĩ có thể chỉ định tiêm steroid trực tiếp vào khớp, kích thích điện hay giảm tần số vô tuyến để kiểm soát cơn đau. Trong những trường hợp cần thiết, phẫu thuật hợp nhất khớp sẽ được bác sĩ đề nghị để điều trị và ngăn chặn biến chứng.
Ngoài tình trạng đau đớn diễn ra thường xuyên, viêm khớp cùng chậu nếu không được điều trị sớm còn gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, căng thẳng, lo lắng, nguy cơ trầm cảm tăng cao thậm chí dẫn tới là bại liệt. Do đó, người bệnh không nên chủ quan và hãy tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán chính xác về loại bệnh lý này.