Viêm họng có lây không là một trong những vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Trên thực tế, có không ít ý kiến nhận định rằng bệnh lý này không có khả năng lây lan nhưng theo các chuyên gia, tình trạng viêm sưng họng vẫn có thể lây từ người sang người. Nếu bạn đọc đang quan tâm và muốn tìm hiểu thì đừng bỏ qua bài viết tổng hợp sau đây!
Viêm họng có lây không?
Viêm họng là tình trạng lớp niêm mạc cổ họng bị tấn công bởi virus hoặc vi khuẩn, dẫn đến hiện tượng sưng đỏ, đau rát khó chịu. Thậm chí trong một số trường hợp nghiêm trọng, cổ họng của bệnh nhân còn xuất hiện cả những mụn mủ trắng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Theo các bác sĩ, virus, vi khuẩn hoặc nấm men gây viêm họng đều có khả năng khiến bệnh lây nhiễm từ người sang người. Nhóm tác nhân này cụ thể gồm:
- Virus: Adenovirus và rhinovirus ( virus cảm lạnh chiếm đến hơn 95% số trường hợp viêm họng hiện nay), virus cúm mùa, virus chủng mới corona, virus bệnh sởi, bệnh ho gà, bệnh thủy đậu, croup, herpes simplex,…
- Vi khuẩn: Bên cạnh virus, vi khuẩn cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm họng. Các loại vi khuẩn thường gặp có thể kể đến là: Streptococcus nhóm A, neisseria gonococcus, arcanobacterium haemoliticus. mycoplasma pneumonia,….
- Nấm men: So với vi khuẩn và virus, nấm men chiếm tỷ lệ thấp hơn cả. Thường thì viêm họng lây nhiễm có nguyên nhân xuất phát từ nấm thực quản, hay còn được biết đến với cái tên candida albicans.
Đối tượng lây nhiễm
Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc phải viêm họng nếu có tiếp xúc gần với người bệnh trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, nhóm đối tượng trẻ em thuộc độ tuổi 5 đến 15 và người cao tuổi trên 65 có nguy cơ cao hơn cả. Bởi vì đây đều là những trường hợp có sức đề kháng và miễn dịch yếu, khiến tỷ lệ xâm nhập và tấn công đường hô hấp của các loại vi khuẩn, virus trở nên cao hơn.
Con đường lây nhiễm
Con đường lây nhiễm chính của viêm họng là quan các tiếp xúc gần, ví dụ như nói chuyện ở khoảng cách gần, nắm tay, hôn, dùng chung các đồ vật cá nhân như bàn chải đánh răng,…
Khi bị viêm họng, các chất dịch nhầy như đờm ở cổ họng hay nước mũi thường chứa một lượng lớn vi khuẩn hoặc virus gây hại. Thông qua các hoạt động như ho, sổ mũi, hắt xì, vi khuẩn và virus có thể thoát ra ngoài không khí và lây nhiễm cho những đối tượng ở khoảng cách gần với người bệnh.
Thời gian lây nhiễm
Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh viêm họng là khoảng thời gian lây nhiễm có thể có sự khác biệt. Ví dụ như:
- Viêm họng do virus nói chung: Với các trường hợp viêm họng do virus gây ra, bệnh có khả năng lây nhiễm từ lúc bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Quá trình này chỉ chấm dứt khi virus được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi cơ thể người bệnh.
- Viêm họng liên quan đến cảm lạnh thông thường: Thời gian lây nhiễm có thể bắt đầu sau 2 đến 3 ngày đầu tiên phát bệnh và kéo dài đến 2 tuần sau đó.
- Viêm họng do cúm mùa: Với viêm họng do cúm mùa, bệnh có khả năng lây nhiễm từ lúc các triệu chứng bắt đầu bộc phát và kéo dài từ 5 đến 7 ngày sau đó.
- Viêm họng do virus corona: Hiện nay, vấn đề viêm đường hô hấp do virus corona gây ra đang trở nên nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, vì vậy người bệnh cần đặc biệt lưu ý. Theo các chuyên gia, thời gian lây nhiễm của viêm họng do corona có thể kéo dài từ 14 đến 21 ngày.
- Viêm họng do vi khuẩn streptococcus nhóm A: Thời gian lây nhiễm của bệnh viêm họng liên quan đến streptococcus nhóm A là 2 đến 5 ngày đầu tiên khi các triệu chứng phát triển.
Khi nào cần đi khám?
Nhiều người thường cho rằng viêm họng là bệnh không nghiêm trọng và có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, thực tế thì viêm họng có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xấu đối với sức khỏe, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Các chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế gần nhất khi gặp phải những biểu hiện sau đây:
- Tình trạng đau họng kéo dài hơn 4 ngày không thuyên giảm dù đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ tại nhà.
- Sốt kéo dài từ 2 đến 4 ngày, nhiệt độ cơ thể luôn dao động trong khoảng 38 đến 40 độ C.
- Đầu đau nhức dữ dội, các khớp xương, cơ bắp cảm thấy đau mỏi và mất sức.
- Trên da xuất hiện các nốt ban đỏ nhỏ li ti kèm theo đó là tình trạng nôn mửa và tiêu chảy sau khi dùng kháng sinh.
Phòng tránh lây nhiễm viêm họng
Đối với các bệnh có khả năng lây nhiễm, điều quan trọng nhất là bạn và các thành viên trong gia đình phải có biện pháp phòng tránh hiệu quả và thích hợp. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý đối với bệnh viêm họng do virus, vi khuẩn gây ra:
- Thường xuyên rửa tay với các loại xà phòng có tính diệt khuẩn. Đảm bảo xoa tay với xà phòng trong ít nhất 15 đến 30 giây trước khi dùng nước làm sạch lại. Rửa tay đặc biệt cần thiết trong trường hợp tiếp xúc với chất dịch của người bệnh, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống.
- Mang theo bình xịt rửa tay tại chỗ khi đến những nơi đông người như đám cưới, nhà hàng, công viên,… để giúp bản thân luôn đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.
- Đeo khẩu trong khi đến những nơi công cộng, điều này giúp bạn tránh được bụi bẩn, ô nhiễm không khí và cả những tác nhân gây hại xung quanh mình.
- Khi hắt hơi hay ho, nhớ dùng tay che kín miệng và mũi. Sau đó, dùng xà phòng diệt khuẩn rửa sạch tay. Nếu có sử dụng giấy ăn để lau nước mũi, đờm nhầy, bạn cần đảm bảo bọc kỹ chúng trong túi trước khi vứt vào thùng rác.
- Không dùng chung khăn tắm, khăn mặt, cốc, bát đũa,… với người bệnh viêm họng. Bạn có thể sử dụng nước nóng để vệ sinh vật dụng và quần áo của người bệnh nhằm đảm bảo tiêu diệt vi khuẩn gây hại còn sót lại trên đó.
- Tham gia tiêm chủng đầy đủ, nhất là với các đối tượng trẻ nhỏ có sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức mới liên quan đến chủ đề “Viêm họng có lây không?”. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, bạn đừng quên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống và vệ sinh dịch tễ đồng thời tăng cường luyện tập thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.