Trào ngược dạ dày là một chứng bệnh về dạ dày phổ biến hiện nay nhưng vẫn còn rất nhiều người chủ quan hoặc chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Bài viết dưới đây xin được cung cấp một số thông tin về chứng bệnh này.
Bệnh trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày hay trào ngược thực quản là tình trạng dịch vị trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Bình thường, thức ăn đi từ thực quản xuống dưới dạ dày, lúc này cơ vòng thực quản sẽ tự động đóng lại để ngăn cản thức ăn bị trào ngược lại lên thực quản. Tuy nhiên, khi phần cơ hoành thực quản có thể gặp vấn đề và khiến cho dịch vị và thức ăn trong dạ dày có thể bị trào ngược lên trên gây ra ợ nóng, ợ chua ở người bệnh, tới khi niêm mạc thực quản bị tổn thương do trào ngược thì được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Bệnh này có thể bắt gặp ở bất cứ ai có thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh, nhất là những người thường xuyên uống rượu, bia và các đồ uống có cồn khác. Bởi lúc này, prostaglandin sẽ không được tổng hợp, prostaglandin là một hợp chất quan trọng giúp chống lại các vi khuẩn có hại có trong dạ dày. Tình trạng này kéo dài lâu sẽ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản và ảnh hưởng đồng thời tới các cơ quan khác như gan, thận,… Trào ngược dạ dày kéo dài cũng có thể tác động xấu đến vòm họng.
Nguyên nhân trào ngược dạ dày
Nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng trào ngược dạ dày là do sự suy yếu của cơ thắt thực quản. Như đã đề cập ở phần trên, khi cơ thắt này hoạt động bất thường, thức ăn và dịch có thể từ dạ dày trào ngược lên phía trên. Cùng với đó, sự gia tăng lượng dịch vị hoặc axit trong dịch vị quá nhiều là hai cơ chế đồng tác động gây nên trào ngược dạ dày. Điều này dẫn đến sức chứa của dạ dày bị quá tải tạo nên tình trạng trào ngược. Một số nguyên nhân của sự gia tăng axit trong dịch vị là: do bệnh nhân mắc các bệnh lý dạ dày như viêm loét dạ dày, đau dạ dày, hẹp hang môn vị dạ dày, trợt niêm mạc dạ dày hay ung thư dạ dày hoặc do thói quen ăn uống không tốt như ăn quá no, ăn quá nhiều thực phẩm khó tiêu đặc biệt là chất đạm và đồ uống có ga.
Ngoài ra, trào ngược dạ dày còn do một số nguyên nhân khác. Một là do tác dụng phụ khi dùng một số loại thuốc tây như thuốc huyết áp, Cholecystokinine, glucagon, hay aspirin. Hai là do thói quen sử dụng đồ chứa chất kích thích như cà phê, thuốc lá. Ba là do các bệnh lý liên quan đến thực quản như nhiễm trùng thực quản hay tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản khiến cho thực quản hoạt động không bình thường gây hiện tượng trào ngược.
Triệu chứng trào ngược dạ dày
Triệu chứng thứ nhất của trào ngược dạ dày là triệu chứng ợ hơi, ợ nóng và ợ chua. Các dấu hiệu này xuất hiện khi người bệnh ăn no, bị đầy bụng và khó tiêu. Thậm chí, ợ nóng, ợ chua xuất hiện ngay cả vào ban đêm khi bệnh nhân đã nằm ngủ. Điều này khiến cho khu vực thực quản nóng rát, vùng cổ họng có cảm giác khó chịu và để lại vị chua trong miệng.
Triệu chứng thứ hai của trào ngược dạ dày là hiện tượng buồn nôn. Nôn và buồn nôn xảy ra khi hàm lượng axit trong dịch vị kích thích cổ họng bởi dịch vị và thức ăn bị trào ngược lên thực quản. Hiện tượng này có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhất là vào ban đêm bởi lúc này, trào ngược dễ xảy ra do tư thế nằm ngang khiến khả năng buồn nôn, nôn cao hơn.
Triệu chứng thứ ba của trào ngược dạ dày là đau tức ngực thượng vị. Hiện tượng đau tức này xuất hiện khi các đầu mút sợi thần kinh trong niêm mạc bị kích thích do axit trong dịch vị trào ngược lên trên. Từ đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau tức ngực. Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày cũng có một số dấu hiệu khác như cảm giác khó nuốt khi ăn uống, khản giọng, ho, miệng tiết nhiều nước bọt,…
Bệnh trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?
Bệnh trào ngược dạ dày tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm bên cạnh một số triệu chứng đã nêu ở phần trên. Một là tình trạng viêm đường hô hấp, bởi vì nếu một lượng nhỏ chất dịch axit bị trào ngược lên đường hô hấp, người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng viêm xoang, viêm họng hoặc viêm phế quản. Hai là hẹp thực quản do niêm mạc thực quản bị tổn thương, lúc này bệnh nhân sẽ thấy đau ngực, khó nuốt, nôn và dần dần các vùng loét bị xơ hóa gây hẹp thực quản. Ba là barrett thực quản gây nên bởi sự tiếp xúc lặp lại giữa axit dạ dày và thực quản làm các tế bào lớp lót ở vùng thấp bị biến đổi màu sắc, đây cũng là dấu hiệu của ung thư thực quản. Và ung thư thực quản chính là biến chứng nguy hiểm nhất nếu bệnh nhân bị barrett thực quản.
Trào ngược dạ dày có chữa khỏi được không?
Theo nhận định của các chuyên gia y tế, trào ngược dạ dày có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Hiệu quả tốt nhất này chỉ có thể xuất hiện khi bệnh nhân được thăm khám và điều trị sớm nhất có thể, càng sớm thì tỉ lệ thành công càng cao đồng thời thời gian điều trị cũng ngắn hơn. Bởi khi bệnh đã đến giai đoạn nặng hơn hay đã xuất hiện cá biến chứng thì việc chữa khỏi hoàn toàn sẽ khó khăn hơn và bệnh nhân phải tiếp nhận điều trị trong thời gian dài. Các phương pháp điều trị đều nhằm kiểm soát axit trong dịch vị dạ dày. Đặc biệt, người bệnh cần nghe và làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để có thể nhận được hiệu quả điều trị tích cực nhất.
Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày
Chữa trào ngược dạ dày bằng bài thuốc Nam
Việt Nam có nguồn thảo dược đa dạng, đây là cơ sở để ông cha ta xây dựng các bài thuốc dân gian từ xa xưa để chữa trị nhiều bệnh lý khác nhau. Nhiều bài thuốc có tác dụng tốt và đảm bảo an toàn cho người dùng. Tuy nhiên, các bài thuốc chỉ hiệu quả khi người bệnh biểu hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ, người bệnh không nên lạm dụng và cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để trào ngược dạ dày diễn tiến nặng. Các bài thuốc Nam cũng có tác dụng chậm hơn thuốc tây nên người dùng cần kiên trì để đạt hiệu quả tốt.
Theo các chuyên gia, một số lợi ích mà các bài thuốc dân gian có thể mang lại đó là dễ thực hiện; đảm bảo an toàn, lành tính; thực hiện được ngay tại nhà và bồi bổ, nâng cao sức khỏe tổng quát nhờ các thành phần quý trong dược liệu. Dễ thực hiện bởi hầu hết các bài thuốc đều có nguyên liệu không phức tạp và có thể được thực hiện đơn giản bằng tay giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí. Đảm bảo an toàn và lành tính nhờ các thảo dược tự nhiên, có nguồn gốc rõ ràng có trong bài thuốc. Có thể thực hiện ngay tại nhà vì các bài thuốc đều bao gồm các bước đơn giản và các thành phần trong dược liệu cũng giúp bồi bổ cho bệnh nhân.
Sử dụng lá mơ lông
Protein, vitamin C, carotene,… có trong lá mơ lông có tác dụng làm giảm viêm sưng ở vùng niêm mạc dạ dày, vùng bị tổn thương bởi trào ngược dạ dày. Từ đó, vết viêm loét do trào ngược gây ra được làm dịu và hoạt động của hệ tiêu hóa cũng được cải thiện. Bệnh nhân có thể ăn lá sống trực tiếp như một loại rau sống thông thường hoặc uống nước ép lá mơ (xay nhuyễn và lọc lấy phần nước cốt) trước bữa ăn 30 phút. Bệnh nhân cũng có thể ăn trứng chiên cùng lá mơ bằng cách thái nhỏ lá mơ, khuấy đều với trứng rồi rán như bình thường.
Sử dụng lá tía tô
Nhờ vào tanin, xeton, acid rosmarinic, quercetin,… có trong lá tía tô, vết loét sẽ được làm lành và đồng thời chứng ợ chua, ợ nóng, đầy hơi và buồn nôn cũng được cải thiện. Người bệnh có thể ăn sống lá tía tô tươi đã rửa sạch hoặc sắc lấy nước uống trước bữa ăn 30 phút bằng cách đun sôi lá tía tô cùng 500ml nước trong khoảng 10 phút và có thể sử dụng nhiều lần trong ngày.
Sử dụng nghệ tươi
Hoạt chất curcumin, demethoxycurcumin và bisdemethoxycurcumin có trong nghệ tươi cũng có tác dụng chống viêm, làm liền vết loét. Bài thuốc gồm các bước sau: dùng 3 muỗng bột nghệ tươi pha với 2 muỗng mật ong nguyên chất, sau đó khuấy đều tay hỗn hợp trên rồi bảo quản trong tủ lạnh. Bệnh nhân uống 1 muỗng trước mỗi bữa ăn 15 phút (3 lần một ngày).
Chữa trào ngược dạ dày theo phương pháp Tây y
Thứ nhất là điều trị nội khoa
Bác sĩ sẽ dùng các thuốc ức chế bơm proton (PPI) ngay trong 2-4 ngày đầu. Bệnh nhân sẽ thấy các triệu chứng giảm nhanh và tình trạng bệnh ổn định hơn, vết loét cũng được làm liền nhanh hơn. Một số loại thuốc trong nhóm này là Omeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole.
- Cụ thể, Omeprazole viên 20mg giúp làm ức chế tiết axit mạnh và có thể tạo ra vô toan, làm các triệu chứng lâm sàng biến mất ngay từ ngày đầu dùng thuốc. Tuy nhiên, thuốc này có thể làm tăng gastrin máu và có một số tác dụng phụ như tiêu chảy, táo bón hoặc đau đầu.
- Lansoprazole giúp liền sẹo loét dạ dày với tỉ lệ 89-92% sau 8 tuần điều trị và diệt vi khuẩn HP với tỉ lệ 21-43%. Nhức đầu, buồn nôn, đi ngoài là những tác dụng phụ của thuốc này. Pantoprazole là thuốc có tác dụng làm liền sẹo loét nhanh và ít tác dụng phụ.
- Rabeprazole làm ức chế tiết axit mạnh hơn Omeprazole và kiểm soát nhanh chóng axit nhưng cũng có tác dụng phụ tương tự.
- Esomeprazole cũng có tác dụng ức chế tiết axit trong thời gian dài và có ít tác dụng phụ hơn.
- Trường hợp bệnh nhân trào ngược dạ dày có nhiễm Helicobacter pylori (HP), bác sĩ có thể áp dụng phác đồ 3 thuốc ngắn ngày để diệt HP rồi tiếp tục điều trị với thuốc ức chế bơm proton dài ngày.
Thứ hai là điều trị ngoại khoa
Khi bệnh nhân được điều trị nội khoa mà không thu được kết quả. Bác sĩ có thể xét đến điều trị phẫu thuật, một cái van dạ dày ở quanh phần thực quản thấp có thể được tạo ra. Phương pháp “Nissen mềm” qua soi ổ bụng đang được áp dụng phổ biến và kết quả thu được cũng tương tự như phẫu thuật mở với hiệu quả chống trào ngược là 80-90%. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ có nguy cơ tử vong và đặc biệt, có tới 30% bệnh nhân trào ngược dạ dày sau mổ có các triệu chứng nặng nề như chướng hơi, nuốt khó, không ợ được.
Bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống
Thay đổi tư thế nằm (kê vai cao 25cm hoặc gối đầu cao khoảng 15cm) là việc đầu tiên cần làm. Bệnh nhân cũng cần tránh tư thế cúi kéo dài, tránh nằm ngửa ngay sau khi ăn và trong khoảng 3 giờ; tránh ăn quá no, mặc quần áo chật và ăn nhiều bữa nhỏ để giảm chênh lệch áp lực giữa bụng và thực quản. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần loại bỏ một số đồ ăn thức uống như sôcôla, tỏi, mỡ, gia vị cay, cà ri, rượu, bia, đặc biệt là rượu vang đỏ và thuốc lá bởi chúng có thể làm tăng triệu chứng trào ngược thậm chí là làm tăng nguy cơ ung thư.
Tóm lại, trào ngược dạ dày là một chứng bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng và có thể được chữa khỏi hoàn toàn ở điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, người bệnh hoặc người chưa mắc bệnh cũng không được chủ quan bởi bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Hy vọng bài viết này đã cung cấp được lượng thông tin bổ ích về bệnh trào ngược dạ dày cho người đọc, từ đó giúp mọi người có thể phát hiện bệnh sớm hoặc có thể phòng tránh, bảo vệ bản thân và gia đình khỏi chứng bệnh này.