Thoái hóa khớp là một bệnh lý phổ biến thường gặp về hệ xương khớp. Bệnh khiến người mắc đau nhức, đi lại khó khăn, vận động hạn chế. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, tình trạng này sẽ để lại hậu quả khó lường. Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh trong bài viết dưới đây!
Thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp gối bản chất là hiện tượng khớp bị thoái hóa loạn dưỡng. Hiểu đơn giản, ban đầu bệnh là sự thay đổi bất thường trên bề mặt của sụn khớp. Một thời gian sau, bề mặt khớp cũng dần biến đổi theo. Từ đây các gai xương dần hình thành và phát triển, chúng sẽ làm biến đổi hình dạng của khớp.
Khi mới mắc bệnh, dịch chứa bên trong bao khớp vẫn chưa bị tác động nhiều nên cơ thể người bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng. Cho tới khi các khớp đã bị tổn thương sâu bên trong, dịch khớp cũng theo đó dần bị kém đi rõ rệt. Yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới độ ma sát giữa các đầu khớp, cụ thể độ ma sát sẽ tăng nhanh khiến mặt của sụn khớp nhanh chóng bị bào mòn.
Lâu ngày, khe khớp sẽ hẹp lại, làm giảm khả năng chuyển động của bộ phận này. Người bệnh sẽ cảm thấy khó vận động, đi lại không thoải mái, đau nhức. Vị trí khớp dễ bị thoái hóa nhất gồm khớp xương háng, khớp gối, xương sống. Theo thống kê của y học cho thấy, khoảng gần 25% dân số thế giới mắc phải tình trạng này. Trong đó những người từ độ tuổi 40 trở lên chiếm tỷ lệ tương đối. Trong thời gian gần đây, bệnh có xu hướng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi.
Nguyên nhân của thoái hóa khớp
Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng khớp bị thoái hóa là ảnh hưởng của tuổi tác khiến chức năng vận động của xương khớp bị suy giảm nhanh chóng, lớp sụn bào mòn dần đi. Nhất là ở những người thường xuyên phải lao động nặng nhọc, khuông vác đồ nặng, đứng quá lâu, lười vận động hoặc thừa cân, béo phì.
Cũng có một phần không nhỏ người bị thoái hóa khớp là do ảnh hưởng các chấn thương trong sinh hoạt, thể thao hay tai nạn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể là hậu quả để lại của các bệnh lý về xương khớp hoặc dị tật bẩm sinh.
Từ những nguyên nhân đã phân tích chi tiết bên trên, có thể thấy rằng thoái hóa khớp không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây lan được. Các đối tượng dễ bị mắc bệnh nhất bao gồm:
- Người cao tuổi, người lớn từ 40 trở lên.
- Những người làm việc nặng nhọc, bốc vác nhiều.
- Người đã từng bị chấn thương tại các vị trí dễ bị thoái hóa khớp: xương chậu, háng, đầu gối, khớp tay.
- Người thừa cân, béo phì.
Triệu chứng thoái hóa khớp
Các biểu hiện của bệnh khá đa dạng và có xu hướng nặng dần khi bệnh đã phát triển được một thời gian. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ cảm thấy xuất hiện những cơn đau nhẹ ở các khớp trong một vài thời điểm. Nhất là khi người bệnh vận động mạnh, tập thể thao với cường độ cao hoặc lao động quá nặng nhọc, lên xuống cầu thang. Khi nghỉ ngơi thì hiện tượng đau nhức sẽ giảm dần.
Lâu dần nếu không kịp thời phát hiện và điều trị bệnh, những cơn đau nhức sẽ ngày càng lộ rõ, dai dẳng. Bởi vì khớp sẽ bị sưng lên do tràn dịch hoặc viêm, các khớp cũng bắt đầu yếu dần, khó có thể linh hoạt như trước kia. Thậm chí ngay cả khi người bệnh đang nghỉ ngơi, đang ngủ ban đêm cơn đau vẫn tái diễn không ngừng. Kèm theo đó, người bệnh còn gặp phải tình trạng co cứng khớp, khó gấp-duỗi.
Lúc này, cơ thể người bệnh cũng dễ mệt mỏi, thiếu tỉnh táo do ban đêm không ngủ được tròn giấc. Ở một số trường hợp, triệu chứng bệnh còn là những tiếng lạo xạo khi người bệnh vận động. Âm thanh này phát ra là do sụn khớp đã bị tổn thương khiến hai đầu xương cọ xát vào nhau. Ngoài ra, hiện tượng sưng nóng, khó vận động hay biến dạng khớp cũng là những biểu hiện của bệnh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp
Theo các bác sĩ chuyên khoa, tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp chỉ phục vụ riêng cho việc chẩn đoán thoái hóa khớp gối nguyên phát và khớp háng. Các trường hợp thoái hóa ở vị trí khớp khác và cột sống thì cần căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng.
Tiêu chuẩn chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Việc kết luận tình trạng bệnh sẽ phụ thuộc vào 6 tiêu chuẩn dưới đây:
- Lâm sàng: Người bệnh cảm thấy đau khớp gối, đặc biệt là vào buổi sáng, khớp gối bị cứng trong thời gian lớn hơn 30 phút. Khi vận động, khớp gối có tiếng lạo xạo hoặc bị sưng, đau nhưng không cảm thấy nóng rát. Thời gian đau khớp trong khoảng 30 ngày gần đây nhất.
- Hình ảnh chụp X-quang thấy rõ sự hiện diện của các gai xương
- Tốc độ máu lắng thấp hơn 40mm/ giờ
- Độ tuổi từ 50 trở lên
- Chỉ số biểu thị yếu tố dạng thấp (-) hoặc nhỏ hơn 1/40
- Dịch khớp trong nhớt, độ BC nhỏ hơn 2.000/nm3.
Tiêu chuẩn chẩn đoán khớp háng
- Người bệnh cảm thấy xuất hiện cơn đau ở khớp háng trong 30 ngày gần nhất
- Độ VS khi xét nghiệm nhỏ hơn hoặc bằng 20mm/ giờ
- Hình ảnh trên phim X-quang hiển thị đặc xương vùng rìa ở cối hoặc các gai xương
- Khe khớp háng bị hẹp lại bất thường.
Chẩn đoán thoái hóa khớp qua hình ảnh
Khi người bệnh xuất hiện những biểu hiện nghi ngờ của tình trạng này, các bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh. Ngoài chụp X-quang, người bệnh còn phải:
- Siêu âm khớp: Phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ nhanh chóng nhận ra được sụn khớp đang gặp rắc rối gì. Từ đây đánh giá chi tiết hơn tình trạng bệnh.
- Chụp hình cộng hưởng MRI: Kết quả hình ảnh MRI cũng là một phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp hữu dụng, nhất là với thoái hóa khớp gối. Hình ảnh MRI cho phép nhận diện tổn thương ở dây chằng, màng hoạt dịch và sụn khớp.
- Nội soi khớp: Nội soi khớp không chỉ giúp các bác sĩ chuyên khoa thuận tiện trong việc đánh giá mức độ bệnh mà còn được coi là một cách hữu dụng để cắt lọc các vị trí sưng viêm trong khớp.
Thuốc chữa thoái hóa khớp
Thông thường, các loại thuốc chữa thoái hóa khớp sẽ được sử dụng để cải thiện triệu chứng của bệnh. Trong đó chủ yếu là thuốc Tây ý, bao gồm có:
- Paracetamol để giảm đau, có thể kết hợp cùng glucosamin sulfat khi cần thiết để tránh tình trạng cứng khớp.
- Sau một thời gian, cơn đau không thuyên giảm thì cần bổ sung thêm các loại thuốc khác như thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) dạng uống hoặc capsaicin bôi ngoài da. Nếu người bệnh không có tiền sử đau dạ dày thì khi dùng NSAID nên dùng loại không chọn lọc kết hợp cùng PPI – thuốc ức chế bơm proton để tránh ảnh hưởng tới dạ dày.
- Không may các biểu hiện nặng dần, cần dùng NSAID chia thành từng đợt ngắn nhất có thể.
- Ở một số tình trạng, các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm nội khớp hyaluronate, corticosteroid, opioids liều thấp.
- Các loại thuốc kháng dùng để chữa thoái hóa khớp: Minocycline, tetracycline và doxycycline có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ giảm tiêu xương hiệu nghiệm.
Lưu ý rằng trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ về hướng dẫn sử dụng, liều lượng và cách bảo quản. Không may uống quá liều hoặc thấy cơ thể có những phản ứng bất thường trong quá trình dùng thuốc thì người bệnh cần tới cơ sở y tế để các bác sĩ can thiệp kịp thời.
Với những trường hợp bệnh nhẹ, phát hiện sớm có thể sử dụng một số dược liệu tự nhiên tại nhà theo các bài thuốc dân gian để tăng thêm khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên người bệnh không nên tự ý kết hợp giữa thuốc Tây y và Đông y. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng bất kỳ dược liệu nào ngoài đơn kê của bác sĩ.
Phác đồ điều trị thoái hóa khớp
Phác đồ điều trị thoái hóa khớp chủ yếu là dùng thuốc. Kết hợp với đó là các bài tập phục hồi cấu trúc cũng như chức năng của sụn khớp. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, cần can thiệp hướng điều trị ngoại khoa phù hợp. Chi tiết phác đồ chữa bệnh như sau:
Điều trị theo diễn biến của bệnh
Như bài viết đã phân tích chi tiết bên trên, triệu chứng phổ biến của bệnh là những cơn đau nhức, co cứng khớp. Vì thế tùy theo từng tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều triệu tương ứng từng giai đoạn bệnh để giảm nhanh các biểu hiện đi. Từ đây giúp người bệnh dần thoải mái hơn.
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần kết hợp các bài tập phục hồi cấu trúc cũng như chức năng của khớp. Trong đó những bài tập yoga, giãn cơ gân, cơ bắp hay đi bộ luôn là lựa chọn hoàn hảo hỗ trợ đắc lực người bệnh trong thời gian điều trị tình trạng này. Riêng với những người mắc thoái hóa khớp háng, các bài tập nâng cao chân, ngồi căng giãn, đạp xe hay bơi lội đều rất hữu ích.
Khi cần thiết, người bệnh nên sử dụng thêm sự hỗ trợ của các miếng đai nâng đỡ, dụng cụ xoa bóp, nhiệt trị liệu hoặc bấm huyệt. Những gợi ý trên sẽ giúp giảm nhanh các triệu chứng bệnh, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Điều trị trường hợp bệnh nặng
Điều trị ngoại khoa áp dụng cho những trường hợp thoái hóa khớp thể nặng với các biến chứng nguy hiểm xuất hiện như: khớp lỏng dần, trục khớp lệch, những cơn đau nhức tái diễn liên miên, không thuyên giảm cấp độ,…Lúc này, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật theo phương pháp nội soi để xử lý nhanh nhất những tổn thương bên trong của khớp.
Ở một vài tình trạng bệnh quá nặng, khó có thể chữa trị bằng thuốc hay các bài tập chức năng thì bắt buộc phải tiến hành thay khớp để bảo toàn tính mạng người bệnh. Tuy nhiên không dễ dàng để đưa ra quyết định này bởi đằng sau các cuộc phẫu thuật luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đồng thời, chi phí bỏ ra cũng lớn.
Chính vì thế, ngay từ thời điểm này, để kịp thời ngăn chặn cũng như giảm các biểu hiện của bệnh, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Trong đó, chú trọng tới khẩu phần ăn và các bài tập luyện thường ngày là quan trọng nhất.
Thóa hóa khớp nên ăn gì?
Đây là câu hỏi luôn được rất nhiều người bệnh quan tâm. Dưới đây là những nhóm thực phẩm rất tốt cho người bị thoái hóa khớp mà bạn không nên bỏ qua:
- Rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ để hỗ trợ kiểm soát cân nặng, ngăn chặn hiện tượng thừa cân gây áp lực cho xương khớp, nhất là khớp háng, gối. Đồng thời, thực phẩm giàu chất xơ cũng chứa lượng dưỡng chất lớn giúp hỗ trợ tiêu viêm.
- Những loại quả mọng chứa nhiều chất chống oxy hóa như việt quất, dâu tây, mâm xôi,..hay các loại rau màu xanh đậm (bông cải xanh, cải bó xôi,…) giúp bổ sung thêm canxi và hỗ trợ xây dựng mô liên kết trong sụn.
- Các loại hạt chứa chất béo có lợi và quả bơ có tác dụng làm giảm đi tình trạng tổn thương trong khớp.
- Sữa chua, các loại sữa hoặc phomai cũng là các thực phẩm người bệnh nên bổ sung. Chúng không chỉ chứa lượng canxi và vitamin D dồi dào mà còn rất hữu ích trong việc hỗ trợ cải thiện những biểu hiện đau nhức do bệnh gây ra.
Bên cạnh những nhóm thực phẩm tốt được liệt kê bên trên, người bị thoái hóa cũng cần hạn chế những đồ ăn gây hại như đồ ăn quá mặn, thực phẩm chứa chất béo bão hòa (đồ hộp, bánh nướng,…). Song song với đó, bệnh nhân cũng không nên sử dụng đồ uống chứa cồn và tránh xa khói thuốc lá để sức khỏe hồi phục nhanh chóng hơn.
Như vậy bài viết đã tổng hợp tới bạn toàn bộ thông tin liên quan tới bệnh thoái hóa khớp. Theo phân tích chi tiết trong bài viết, đây là căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, khả năng vận động cũng như công việc, cuộc sống của người bệnh. Vì thế nếu phát hiện hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bạn hãy tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.