Thoái hóa cột sống ở người trẻ ngày càng phổ biến và dành được rất nhiều sự quan tâm của ngành Y tế. Việc tìm ra nguyên nhân vì sao bệnh lý này lại phát triển nhanh như vậy để có phương án phòng ngừa và chữa trị kịp thời là vô cùng cấp thiết. Dấu hiệu nhận biết và các đối tượng thường gặp là ai? tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Nguyên nhân thoái hóa cột sống ở người trẻ
Có rất nhiều yếu tố dẫn tới thoái hóa cột sống ở người trẻ. Sau một thời gian nghiên cứu và tổng hợp, các chuyên gia đã nêu ra một số nguyên nhân thường gặp như sau:
- Chấn thương
Các vụ tai nạn giao thông, hoặc tham gia một số bộ môn thể thao nguy hiểm rất dễ dẫn tới chấn thương xương khớp. Người bệnh có thể bị sưng, gãy xương, hệ thống dây thần kinh bị chèn ép, từ đó dẫn tới thoái hóa cột sống.
- Tính chất công việc
Phần lớn giới trẻ hiện nay đều làm việc trong các văn phòng, hay nhà máy với tính chất công việc phải ngồi một chỗ và ít có thời gian đi lại. Điều này khiến vùng cột sống phải chịu nhiều áp lực, máu lưu thông kém. Hiện trạng này kéo dài trong một khoảng thời gian làm cho cột sống thắt lưng bị suy yếu và thoái hóa.
- Thiếu chất dinh dưỡng
Khi cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình duy trì và tăng cường sức khỏe của hệ xương khớp. Ngoài ra, các dưỡng chất như omega-3, magie rất cần thiết để tái tạo và ngăn chặn sự thoái hóa cột sống. Nếu không được cung cấp và bổ sung thường xuyên thì cột sống hay đĩa đệm rất dễ bị thoái hóa và tổn thương.
- Chủ quan, ít rèn luyện chăm sóc sức khỏe
Vì cho rằng bản thân vẫn còn trẻ, ít gặp các vấn đề về xương khớp, nên giới trẻ đã hình thành tư tưởng chủ quan và ít rèn luyện thể thao. Hơn nữa, tinh thần không thoải mái, stress vì công việc, thức quá muộn cũng khiến nguy cơ thoái hóa cột sống ở người trẻ tăng cao.
- Lối sống thiếu khoa học
Có một số thói quen xấu hình thành ở giới trẻ rất phổ biến hiện nay đó là: Bỏ bữa sáng, lười uống nước, ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, đồ ăn nhanh… Chúng khiến cho cơ thể dễ mắc phải hiện tượng tăng cân, béo phì, tạo áp lực lớn và chèn ép lên hệ thống cơ xương khớp.
Dấu hiệu thoái hóa cột sống ở người trẻ
Dấu hiệu rõ nhất để nhận biết bệnh thoái hóa cột sống đó chính là các cơn đau nhức xuất hiện ở vùng thắt lưng. Với những người trẻ mới thoái hóa ở giai đoạn đầu thì hiện tượng đau lưng có thể xảy ra khá đột ngột, đau ê ẩm vùng lưng nhưng sẽ tự khỏi trong vài ngày. Chính vì vậy mà người bệnh thường chủ quan và không có biện pháp điều trị sớm.
Khi thoái hóa cột sống ở người trẻ đã chuyển qua giai đoạn mãn tính thì biểu hiện của chúng sẽ rõ ràng hơn.
- Người bệnh sẽ thấy có lúc đau âm ỉ nhưng cũng đau dữ dội khi hoạt động mạnh
- Cơn đau thường kéo dài lên tới 3 – 4 tháng và không khỏi dứt điểm
- Chúng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận động, sinh hoạt của người mắc phải
- Lâu dần cơn đau còn lan xuống đùi, bắp chân và kéo đến tận các ngón chân kèm cảm giác châm chích như kiến cắn, tê bì…
Cách chữa thoái hóa cột sống ở người trẻ
Thoái hóa cột sống ở người trẻ nếu không được chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ biến chứng thành các bệnh lý như: Mất ngủ, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, thậm chí là teo cơ, bại liệt. Do đó, nếu đang xuất hiện các triệu chứng của sự thoái hóa ở cột sống, bạn hãy tham khảo một số cách sau đây để hỗ trợ giảm đau và ngăn ngừa biến chứng.
Xoa bóp, chườm nóng hoặc lạnh
Để giảm các hiện tượng đau nhức tạm thời, cách đơn giản và dễ thực hiện nhất là chườm nóng, lạnh và massage vùng lưng. Chúng có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu từ đó thúc đẩy chất dinh dưỡng cung cấp đến vùng tổn thương. Ngoài ra, phương pháp này giúp tiêu sưng và giảm đau khá hiệu quả.
Sử dụng thuốc Tây chữa trị
Dùng thuốc tây để chữa thoái hóa cột sống ở người trẻ thường được áp dụng trong các trường hợp người bệnh có cơn đau dồn dập và nghiêm trọng. Khi đó, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giảm đau nhanh, thuốc giãn cơ, kháng viêm để ngăn chặn tình trạng đau nhức. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lạm dụng thuốc tránh làm ảnh hưởng xấu tới gan, thận.
Phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ
Khi tình trạng bệnh thoái hóa đã tiến triển ở mức độ nặng, hình thành gai cột sống, thoát vị đĩa đệm… bạn có thể được chỉ định phẫu thuật sau khi đã thăm khám và kiểm tra kỹ lưỡng. Ngoài ra, người bệnh cần kết hợp chế độ dinh dưỡng và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ sau khi phẫu thuật để vết thương mau lành.
Ngoài những cách chữa thoái hóa cột sống ở người trẻ nêu trên, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt hợp lý và khoa học. Dành thời gian rèn luyện thể thao, chăm sóc sức khỏe để tăng cường hệ xương khớp và sức đề kháng cho cơ thể.