Thoái hóa cột sống có nên chạy bộ không, hay có nên đi bộ không hiện đang là chủ đề được nhiều người quan tâm. Trên thực tế, các chuyên gia luôn khuyến khích bệnh nhân xương khớp tích cực tham gia những hoạt động thể chất nhằm nâng cao sức khỏe và hỗ trợ quá trình điều trị. Không những vậy, chạy bộ và đi bộ còn giúp giải tỏa căng thẳng, áp lực, giúp người bệnh cảm thấy thư giãn, thoải mái hơn.
Thoái hóa cột sống có nên chạy bộ không?
Nhiều người bị thoái hóa cột sống thường hạn chế tham gia và tập luyện thể thao vì lo sợ rằng khi hoạt động mạnh có thể khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, việc ít vận động thể chất rất dễ dẫn đến những vấn đề sức khỏe khác nhau, ví dụ như thừa cân béo phì, bệnh tim mạch,… Liên quan đến chủ đề này, nhiều người bệnh thắc mắc không biết liệu thoái hóa cột sống có nên chạy bộ không.
Theo các bác sĩ, vấn đề này còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của thoái hóa cột sống ở người bệnh. Những trường hợp ở giai đoạn đầu, các triệu chứng còn nhẹ thì hoàn toàn có thể chạy bộ như bình thường. Trong khi đó, nếu người bệnh bị thoái hóa nặng thì không nên lựa chọn chạy bộ làm môn thể thao luyện tập hàng ngày.
Nguyên nhân là vì chạy bộ thường tác động mạnh đến hai chân và cột sống thắt lưng, khiến những bộ phận này trở nên nhạy cảm hơn. Người bệnh thoái hóa nặng nếu chạy bộ thì rất dễ gặp phải chấn thương cũng như khiến tình trạng tổn thương gia tăng.
Lợi ích của chạy bộ đối với người thoái hóa cột sống giai đoạn đầu
Đối với người bệnh giai đoạn đầu, chạy bộ có thể mang đến những công dụng như:
- Thư giãn cơ bắp: Chạy bộ là bài tập thể dục giúp thư giãn cơ bắp hiệu quả. Không những vậy, do chân phải hoạt động với cường độ cao nên có thể gia tăng độ săn chắc của cơ bắp, giúp giảm tình trạng yếu sức ở chân.
- Giúp khớp xương linh hoạt hơn: Nhiều người thoái hóa thường cảm thấy khớp khô cứng hơn, đặc biệt là vào buổi sáng sớm. Vì vậy, lựa chọn chạy bộ vào buổi sáng có thể là lựa chọn hoàn hảo để loại bỏ tình trạng này, khiến khớp xương trở nên dẻo dai, linh hoạt hơn.
- Giảm cảm giác đau nhức khó chịu: Thường xuyên chạy bộ có thể giúp giảm cảm giác đau nhức khó chịu. Lý do là vì cột sống được thư giãn và thả lỏng nhiều hơn đồng thời máu trong cơ thể cũng lưu thông tốt hơn.
- Tránh thừa cân, béo phì: Việc chăm chỉ luyện tập thể thao, bao gồm chạy bộ có thể giúp hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì. Theo các bác sĩ, trọng lượng cơ thể là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cột sống, vì vậy mà người bệnh nên kiểm soát cân nặng ở con số phù hợp.
Lưu ý khi chạy bộ dành cho người thoái hóa cột sống
Người bệnh thoái hóa cột sống trong quá trình chạy bộ cũng nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Đảm bảo khởi động kỹ càng trước khi chạy bộ. Nếu không khởi động, người bệnh có thể bị chuột rút hoặc chấn thương trong khi chạy bộ.
- Đi giày thể thao khi chạy bộ. Một đôi giày tốt có thể giúp bàn chân được nâng đỡ tối đa, hạn chế tình trạng đau nhức đầu ngón chân hoặc phồng rộp sau khi luyện tập.
- Lựa chọn quãng đường chạy bộ thích hợp và có bề mặt bằng phẳng. Do cột sống đã bị tổn thương nên người bệnh cần luyện tập vừa sức, không nên cố gắng quá giới hạn chịu đựng. Bên cạnh đó, quãng đường bằng phẳng thường dễ chạy hơn và không khiến cột sống bị xóc.
Thoái hóa cột sống có nên đi bộ không?
Bên cạnh vấn đề “Thoái hóa cột sống có nên chạy bộ không?”, nhiều người bệnh cũng băn khoăn không biết liệu có nên đi bộ hay không. Khác với chạy bộ, đi bộ được khuyến khích cho cả người bệnh thoái hóa ở mức độ nặng.
Đi bộ không những không gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh mà còn mang lại những lợi ích sau đây:
- Thư giãn cột sống, giảm căng thẳng cơ bắp: Khi đi bộ, toàn bộ cơ thể đều được tác động, đặc biệt là phần cột sống thắt lưng. Nhờ đó mà người bệnh cảm thấy cột sống được duỗi thẳng và thư giãn nhiều hơn, đồng thời giảm tải căng thẳng, khiến tình trạng đau nhức được cải thiện.
- Thúc đẩy lưu thông máu và trao đổi chất: Việc đi bộ nhẹ nhàng còn giúp thúc đẩy lưu thông máu và trao đổi chất trong cơ thể. Người bệnh nhờ vậy mà có thể hồi phục hiệu quả hơn, hạn chế được tác dụng phụ của thuốc điều trị đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Các lợi ích khác: Bên cạnh hai lợi ích phổ biến nêu trên, đi bộ còn giúp người bệnh thoái hóa cột sống ổn định cân nặng, tăng cường độ dẻo dai của khớp gối, giảm stress và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến “Thoái hóa cột sống có nên chạy bộ không?”, hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức bổ ích. Người bệnh ngoài việc luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe thì nên tích cực ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, hạn chế uống rượu bia và hút thuốc lá để giúp quá trình điều trị đạt kết quả tốt.