Thấp khớp là bệnh lý có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào cho dù là người già hay giới trẻ. Những triệu chứng mà chúng gây ra làm ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng vận động và quá trình sinh hoạt của người bệnh. Các cơn đau thường tồn tại ở dạng mãn tính, dai dẳng, không liên tục và rất khó điều trị dứt điểm.
Thấp khớp là gì?
Bệnh thấp khớp còn có tên gọi là phong tê thấp. Chúng được phân loại thành hơn 200 thể bệnh khác nhau dựa vào đặc tính và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Trong đó, các nhóm chính gồm có: Viêm xương khớp, khuếch tán mô liên kết, viêm cột sống, rối loạn thần kinh, rối loạn ngoài khớp, rối loạn xương và sụn…
Theo các chuyên gia Y tế, bệnh xương khớp thường khởi phát liên quan đến hiện tượng rối loạn tự miễn. Chúng tấn công làm tổn thương, sưng, viêm nhiễm ở các khớp và mô liên kết. Khi mắc chứng viêm khớp dạng thấp, biểu hiện dễ nhận biết nhất đó chính là sự xuất hiện của những cơn đau nhức vùng khớp kèm theo hiện tượng sưng, đỏ, nóng.
Khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường như trên, người bệnh nên chủ động tới các cơ sở y tế chuyên về xương khớp để thăm khám. Bác sĩ sẽ dùng một số phương pháp như chẩn đoán lâm sàng, thông qua hình ảnh chụp X-quang, cộng hưởng, siêu âm hay xét nghiệm để đánh giá mức độ tổn thương, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
Nguyên nhân gây thấp khớp
Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy một nguyên nhân cụ thể nào dẫn tới thấp khớp. Nhưng một số yếu tố sau đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Thừa cân béo phì, lười vận động tạo áp lực lên hệ thống xương khớp.
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học, thừa thãi thực phẩm giàu chất béo, thiếu hụt các loại vitamin, khoáng chất.
- Những người có độ tuổi trên 65 sẽ có nguy cơ cao mắc viêm khớp dạng thấp do hệ thống xương khớp đã bước vào giai đoạn lão hóa. Ngoài ra, một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
- Chấn thương do tai nạn hoặc biến chứng sau phẫu thuật cũng có thể dẫn tới các bệnh lý về khớp.
- Tính chất công việc của một số lĩnh vực như nghiên cứu hóa học, công nhân xây dựng, thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, xăng dầu, hóa chất dễ bị rối loạn thấp khớp.
- Các gen bất thường trong cơ thể làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Do yếu tố di truyền từ các thế hệ và người thân trong gia đình đã từng mắc bệnh về xương khớp.
Triệu chứng bệnh thấp khớp
Chính vì thấp khớp tồn tại ở rất nhiều thể khác nhau nên triệu chứng cũng sẽ không giống nhau đối với từng thể bệnh. Trong đó, các triệu chứng thường gặp và dễ phát hiện nhất là:
Đau nhức ở khớp
Những cơn đau sẽ xuất hiện đột ngột tại các khớp như: Khớp cổ chân, khớp cổ tay, khuỷu tay… Đây cũng chính là biểu hiện tiêu biểu nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Sưng, đỏ, cứng khớp
Người bệnh thường thấy vùng khớp bị sưng tấy, đỏ và nóng, có khi chỉ sưng mà không đau. Ngoài ra, hiện tượng cứng khớp còn thường xuyên xuất hiện, đặc biệt là vào mỗi buổi sáng.
Sốt
Kèm theo các cơn đau vùng khớp là hiện tượng sốt nhẹ và kéo dài tới vài tuần.
Suy nhược cơ thể
Sau một thời gian cơn đau xuất hiện liên tục, người bệnh sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân dẫn tới suy nhược.
Suy giảm chức năng của các cơ quan tiêu hóa
Bệnh thấp khớp có thể làm tổn thương và suy giảm chức năng của các cơ quan tiêu hóa. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, đi tiểu ra máu, đau gan…
Biến dạng khớp
Biến dạng khớp là tình trạng khá nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Lúc này, hệ thống xương vùng khớp đã bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu.
Bệnh thấp khớp có nguy hiểm không?
Như đã chia sẻ ngay từ đầu, thấp khớp thuộc loại bệnh lý rất khó để điều trị dứt điểm. Do đó, người mắc bệnh sẽ phải thường xuyên chịu đựng những cơn đau nhức do chúng mang lại. Bệnh sẽ tiến triển dai dẳng, ngắt quãng, tình trạng đau nhức có thể tăng lên hoặc giảm đi theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và áp dụng các phác đồ điều trị phù hợp thì có thể cải thiện đáng kể tính linh hoạt của xương khớp và kiểm soát cơn đau . Đồng thời giúp làm chậm và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và các biến chứng nguy hiểm như: Teo cơ, liệt tứ chi, mất khả năng vận động khớp, hoại tử xương khớp, tổn thương tim, phổi, dạ dày…
Cách điều trị thấp khớp
Với mỗi thể bệnh và tình trạng nghiêm trọng của mỗi bệnh nhân mà phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc cho phù hợp. Dưới đây là một số cách điều trị thấp khớp được áp dụng phổ biến nhất:
Điều trị chăm sóc tại nhà
Người bệnh có thể xoa bóp, massage, chườm nóng, lạnh để hệ thống cơ được thư giãn, máu lưu thông, từ đó cải thiện tình trạng căng cứng và đau nhức khớp. Ngoài ra, hãy kết hợp với một kế hoạch ăn uống và vận động lành mạnh để tăng độ linh hoạt của vùng khớp bị tổn thương.
Sử dụng thuốc điều trị
Để làm dịu đi mức độ đau nhức cho bệnh nhân thì một số loại thuốc sau đây sẽ được chỉ định với liều lượng phù hợp:
- Thuốc giảm đau opioid
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc ức chế phản ứng viêm DMARDs
- Tiêm corticosteroids
- Một số thuốc kháng sinh khác
Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc này chỉ để dùng trong thời gian ngắn hạn vì chúng thường để lại những tác dụng phụ không mong muốn.
Vật lý trị liệu giảm đau nhức do thấp khớp
Vật lý trị liệu là phương pháp được khá nhiều người bệnh lựa chọn vì chúng tương đối an toàn. Các chuyên gia sẽ dùng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt để làm thư giãn các khớp, cải thiện tính linh hoạt và giảm đau rõ rệt. Ngoài ra, vật lý trị liệu còn giúp người bệnh giảm stress, lo âu, thư giãn tinh thần.
Phẫu thuật chữa thấp khớp nặng
Nếu các phương pháp điều trị nội khoa thất bại, mức độ tổn thương nghiêm trọng và có nguy cơ dẫn tới biến chứng thì người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để điều chỉnh hoặc thay thế khớp. Sau khi trải qua phẫu thuật, bệnh nhân cần kết hợp thêm một số loại thuốc chống viêm, giữ gìn vệ sinh vết mổ để tránh nhiễm trùng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Với những tình trạng bệnh lý về thấp khớp khác nhau, các bác sĩ có thể kết hợp rất nhiều các phương pháp khác nhau để điều trị. Do đó, người bệnh không nên tự ý áp dụng bất kỳ cách chữa bệnh nào nếu như chưa được thăm khám và tư vấn từ các chuyên gia về xương khớp.