Tê bì chân tay là căn bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, đôi khi chỉ là biểu hiện đơn giản khi người bệnh ngồi, nằm hay giữ một tư thế quá lâu. Nhưng tê bì chân tay cũng có thể là triệu chứng ban đầu cho một bệnh lý nghiêm trọng trong cơ thể. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc thông tin có liên quan đến triệu chứng này.
Tê bì chân tay là bệnh gì?
Tê bì chân tay là tình trạng thường gặp khi máu không được cung cấp đủ tới các chi. Bệnh thường không gây nguy hiểm tới tính mạng và sẽ hết trong vài phút khi bạn thay đổi tư thế. Khi tình trạng tê bì chân tay kéo dài và xuất hiện với tần suất này, bạn đọc cần tiến hành thăm khám để được tư vấn, xác định xem đây có phải là triệu chứng tiềm ẩn của bệnh lý nào hay không.

Bệnh lý tê bì tay chân có thể là biểu hiện của một số căn bệnh như
- Thoái hóa xương khớp, cột sống: Đối với người bị thoái hóa đốt sống, tình trạng tê bì thường xảy ra vào ban đêm, đặc biệt khi có sự thay đổi về thời tiết. Các gai xương được hình thành trong quá trình thoái hóa gây ra sự chèn ép lên các dây thần kinh, dẫn tới tình trạng tê bì lan rộng tại tay chân, bả vai.
- Thoát vị đĩa đệm: Tình trạng nhân nhầy thoát ra ngoài chèn ép lên dây thần kinh được gọi là thoát vị đĩa đệm. Đi kèm theo bệnh này là tình trạng người bệnh xuất hiện nhiều các cơn tê bì tại các chi.
- Thoái hóa khớp: Sự tổn thương hay viêm tại các khớp gây ra ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng khớp, chức năng khớp suy yếu dẫn tới tê bì.
- Viêm đa khớp: Các ổ viêm tại khớp tay, khớp chân cũng gây ra tình trạng này. Đặc biệt bệnh có xu hướng gia tăng khi người bệnh giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài.
- Xơ vữa động mạch: Khi các khối vật chất xuất hiện bất thường và bám dính lên thành mạch sẽ gây ra hiện tượng xơ cứng động mạch. Các khối này chèn ép lên phần động mạch dẫn tới sự xơ cứng, máu không được lưu thông tới các chi gây ra sự tê bì. Ngoài ra người bệnh còn có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến, đột quỵ.
Một số bệnh lý khác cũng gây ra biểu hiện này đó là tiểu đường, bệnh về thận….
Nguyên nhân khác gây tê bì tay chân
Những nguyên nhân nêu trên là những nguyên nhân phổ biến, thường thấy nhất ở những người hay bị tê bì tay chân. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác cũng dẫn tới hiện tượng này, có thể kể đến như:
- Do tuổi tác: Người có tuổi càng cao thì sự suy giảm chức năng xương khớp, thoái hóa cơ càng diễn ra mạnh mẽ. Quá trình này cản trở sự lưu thông máu tới các chi nên gây ra tình trạng tê bì tay chân.
- Hoạt động sai tư thế: Làm việc sai tư thế hay nằm, đứng, ngồi sai tư thế trong một thời gian dài cũng khiến chân tay tê bì. Người bệnh nên thay đổi tư thế ngồi, không giữ một tư thế quá lâu, sau khi làm việc từ 30 – 45 phút nên đi lại nhẹ nhàng để giảm áp lực cho các chi.
- Tổn thương, chấn thương chi: Tai nạn giao thông hay tai nạn lao động khiến bạn gặp phải những chấn thương cơ và xương. Mặc dù đã được điều trị triệt để nhưng những tổn thương này vẫn để lại những di chứng nhẹ trong đó có tê bì chân tay.
- Sự thay đổi về thời tiết: Thời tiết thay đổi cũng khiến nhiều người gặp tình trạng này.
Có thể thấy các nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng tê bì tay chân thường là khách quan, không gây nguy hiểm hay ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Chỉ cần điều chỉnh tư thế ngồi hay chịu khó vận động là có thể khắc phục tình trạng trên.
Tê bì chân tay có nguy hiểm không?
Người bệnh khi bị tê bì tay chân thường cảm thấy khó chịu, lâu ngày nhiều người bệnh thắc mắc không biết bệnh có mang tới những nguy hiểm nào không? Thực tế tê bì chân tay không gây nguy hiểm cho người bệnh nếu như xuất phát từ các nguyên nhân thông thường như ngồi làm việc sai tư thế, tuổi tác hay thay đổi thời tiết.

Tuy nhiên khi tình trạng tê bì tay chân xuất hiện nhiều kèm theo các biểu hiện dưới đây, người bệnh cần tiến hành thăm khám sớm để tìm được nguyên nhân cụ thể:
- Tay chân tê, nóng rát như bị chích, đây là biểu hiện tổn thương ở rễ thần kinh.
- Tay, chân mất cảm giác, tình trạng tê bì diễn ra lâu.
- Các chi tê buốt, đau đớn, có xu hướng lan rộng, hạn chế hoạt động của người bệnh.
- Thường xuyên bị chuột rút, chân tay co thắt đột ngột.
- Kèm theo các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, khó thở, tê giật chân tay.
- Ruột và bàng quang xuất hiện tình trạng mất kiểm soát.
Tê bì chân tay có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tai biến, tim mạch, bại liệt…
Mẹo chữa tê bì chân tay tại nhà
Trước khi tới thăm khám và áp dụng các biện pháp điều trị cụ thể, người bệnh có thể tìm hiểu, áp dụng một số mẹo đơn giản chữa tê bì chân tay tại nhà. Dưới đây là các mẹo hiệu quả, đơn giản mà bạn có thể áp dụng.
- Xoa bóp phần chân, tay bị tê bì: Massage nhẹ nhàng phần tê bì giúp cơn tê bì tay chân qua nhanh hơn, bên cạnh đó động tác này còn tăng cường quá trình lưu thông máu, giảm sự co cứng ở thần kinh, cơ sau một thời gian dài hoạt động.
- Để xoa bóp mang tới hiệu quả cao, bạn cần làm nóng gan bàn tay trước khi bắt đầu. Chà xát hoặc xoa mạnh hay tay vào nhau vài phút cho nóng, nhẹ nhàng massage lên phần ngón tay, chân đang bị tê. Có thể dùng thêm một ít dầu để làm nóng da khu vực này, dầu sẽ làm tăng khả năng lưu thông khí huyết.
- Bấm huyệt: Để thực hiện được việc bấm huyệt tại nhà, bạn cần biết các huyệt đạo quan trọng có tác dụng chữa tê bì tay chân. Các huyệt này bao gồm: Huyệt Hợp Cốc, Bát Tà, Dương Trì, Nội Quan, Ngoại Quan, Khúc Trì. Sử dụng ngón tay cái và dùng lực vừa phải để ấn lên phần huyệt trong vòng 1 phút. Bạn sẽ có cảm giác đau nhẹ xung quanh, sau đó là cảm giác thoải mái và dễ chịu. Cần lưu ý rằng, bấm không đúng huyệt có thể gây ra phản tác dụng, khiến các cơn tê bì trở nên đau nhức hơn. Vì vậy trước khi bấm huyệt bạn nên xác định rõ vị trí huyệt đạo, để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Chườm nóng: Liệu pháp tưởng chừng như đơn giản này cũng mang tới hiệu quả không ngờ. Máu sẽ được tăng cường đến các chi, giúp giãn thần kinh, cơ và giúp các chi hoạt động linh hoạt hơn. Bạn nhúng khăn sạch vào nước nóng, vắt ráo nước và chườm nhẹ lên phần chân tay bị tê. Có thể thay bằng cách rang nóng muối, để nguội bớt và chườm nóng.
Các liệu pháp chữa tê bì tay chân tại nhà đều khá đơn giản và dễ thực hiện. Những mẹo này cũng mang tới những hiệu quả nhất định cho người bệnh khi thường xuyên bị tê bì chân tay. Người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn và các chi cũng có sự dẻo dai hơn.
Xem thêm:
- Đầu ngón tay bị đau như kim châm là bệnh gì?
- Bà bầu bị tê tay do nguyên nhân gì? Cách khắc phục an toàn, hiệu quả
Tê bì chân tay có thể chỉ là các biểu hiện thông thường khi làm việc, ngồi sai tư thế khiến khí huyết không được lưu thông. Tuy nhiên đôi khi đây cũng là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Để xác định rõ bạn cần thăm khám khi có những dấu hiệu tê bì tay chân lâu ngày để có thể xác định được nguyên nhân gây ra tê bì, từ đó có phương pháp điều trị hợp lí, kịp thời.