Phong thấp là một tình trạng đau nhức xương khớp và cơ bắp khá phổ biến trong Đông y. Người bệnh không chỉ bị cảm giác khó chịu quấy rầy dai dẳng mà còn gặp khó khăn trong việc hoạt động hàng ngày. Theo các bác sĩ, điều quan trọng nhất là người bệnh cần được chẩn đoán chính xác và có các biện pháp điều trị kịp thời.
Phong thấp là bệnh gì?
Phong thấp, hay còn được biết đến với tên gọi phong tê thấp, là tình trạng đau nhức, đau mỏi cơ xương khớp. Theo dân gian, bệnh xảy ra khi dòng năng lượng chảy bên trong cơ thể bị suy yếu, tạo điều kiện cho các yếu tố độc hại xâm nhập và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bất cứ ai cũng có khả năng mắc phải phong thấp, không ngoại lệ bởi giới tính hay tuổi tác. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là người trên 40 tuổi, cơ thể đã có dấu hiệu lão hóa. Ngoài ra, người lao động chân tay (công nhân, bóc vác,..), người suy nhược cơ thể, người mẫn cảm với thời tiết,… cũng dễ bị phong tê thấp.
Dù không phải là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nhưng các chuyên gia vẫn khuyến khích người bệnh đi khám và điều trị sớm. Bởi vì nếu để bệnh kéo dài, cả sức khỏe tổng thể và sức khỏe tâm thần của bệnh nhân đều có thể bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân phong thấp
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra phong tê thấp. Nếu xét theo Đông y, tình trạng này chủ yếu liên quan đến vệ khí – dòng năng lượng chạy trong kinh mạch khắp cơ thể. Khi vệ khí bị suy yếu, các yếu tố gây bệnh (phong, tê, thấp) sẽ xâm nhập vào bên trong, khiến lưu thông khí huyệt giảm đi, cuối cùng dẫn đến tắc nghẽn, ứ trệ.
Nếu xét theo y học hiện đại, phong thấp có thể do những yếu tố sau đây gây ra:
- Tuổi tác: Tuổi tác lớn đồng nghĩa với việc cơ thể đã trải qua nhiều sự bào mòn của thời gian. Điều này thể hiện rõ nhất ở hệ thống xương khớp với những cơn đau nhức, tê bì khó chịu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.
- Đặc thù nghề nghiệp: Những người lao động tay chân, người làm việc văn phòng,… cũng có nguy cơ bị phong thấp cao. Lý do là vì xương khớp phải thường xuyên chịu áp lực căng thẳng nên dễ bị viêm và thoái hóa, cuối cùng dẫn đến tình trạng đau nhức.
- Thay đổi thời tiết: Có không ít người bị phong tê thấp liên quan đến yếu tố thời tiết. Ví dụ như khi trời đột ngột chuyển lạnh hoặc khi gió mùa về, cơ thể cảm thấy nhức mỏi khó chịu ở xương khớp. Tình trạng này phổ biến nhất ở những người từng bị chấn thương như gãy xương, nứt xương,…
- Các yếu tố khác: Ngoài những nguyên nhân thường thấy nói trên, phong tê thấp còn có thể do di truyền, thừa cân béo phì, suy giảm miễn dịch, tiểu đường, lối sống ít vận động, hút thuốc, uống rượu thường xuyên gây ra.
Triệu chứng phong thấp
Người bệnh phong thấp có thể gặp phải những triệu chứng sau đây:
Đau nhức mỏi xương khớp
Đây là biểu hiện phổ biến và đặc trưng nhất của bệnh. Cảm giác này thường âm ỉ khó chịu và kéo dài nhiều ngày. Có một số trường hợp bị đau dữ dội ngay cả khi đang ngồi nghỉ ngơi.
Nóng đỏ, sưng tấy ở khớp
Triệu chứng đau nhức thường đi kèm với tình trạng nóng đỏ, sưng tấy ở các khớp. Hậu quả là người bệnh bị cứng khớp, gặp khó khăn trong việc di chuyển hoặc cầm nắm đồ vật.
Ra mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân
Nhiều người bệnh phong thấp bị đổ mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân. Tình trạng này thường có liên quan đến rối loạn hormone hoặc rối loạn thần kinh.
Cảm giác tê bì chân tay
Cảm giác tê bì xuất hiện do dây thần kinh bị chèn ép và đè nén. Tê bì nếu kéo dài có thể khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng hoặc khiến người bệnh yếu sức, mất sức ở tay chân.
Các triệu chứng khác
Người bệnh phong thấp còn có thể bị: Sốt cao, cảm giác bồn chồn khó chịu, cáu gắt, cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon, kém tập trung, khớp xương xuất hiện các nốt cứng ngay dưới da,…
Chẩn đoán bệnh phong thấp
Chẩn đoán bệnh phong thấp được tiến hành bằng các biện pháp sau đây:
- Khám tổng thể: Sau khi nghe người bệnh mô tả các triệu chứng thường gặp, các bác sĩ sẽ xem xét kỹ lưỡng vị trí khớp sưng tấy, đau nhức. Ngoài ra, họ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các động tác cơ bản cần sử dụng khớp để đánh giá phạm vi cử động.
- Kiểm tra hình ảnh: Đa phần các vấn đề liên quan đến xương khớp đều cần thực hiện chụp X-quang, MRI hoặc CT. Các biện pháp này giúp các bác sĩ có cái nhìn rõ ràng nhất về cấu trúc khớp, gân và cơ. Thông qua đó, mức độ nghiêm trọng được phỏng đoán đồng thời có thể loại bỏ một số nguyên nhân không liên quan.
- Xét nghiệm máu: Các bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện thêm xét nghiệm máu nếu nghi ngờ có yếu tố dạng thấp. Những chỉ số được phát hiện thông qua xét nghiệm máu gồm có: Tốc độ tăng ESR, CRP, kháng thể peptide citrullinated.
Ngoài ra, nếu người bệnh điều trị theo Đông y thì sẽ được chẩn đoán thông qua các biện pháp sau:
- Bắt mạch: Các thầy thuốc sẽ bắt mạch ở vùng cổ tay của người bệnh. Thông qua nhịp đập, họ có thể xác định được vấn đề mà người bệnh đang gặp phải.
- Triệu chứng lâm sàng: Để chắc chắn hơn về chẩn đoán, thầy thuốc tiến hành xem xét thêm các triệu chứng bên ngoài ở một số vị khu vực đặc trưng. Ví dụ như: Tròng mắt, rêu lưỡi, các khớp xương, lòng bàn tay, bàn chân,…
Bệnh phong thấp có nguy hiểm không?
Phong tê thấp có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Theo các chuyên gia, câu trả lời còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ triệu chứng và tình trạng thể chất của từng người bệnh. Phong thấp không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ra những biến chứng sau đây:
- Các cơn đau nhức dai dẳng: Người bệnh thường xuyên bị quấy rầy bởi cảm giác nhức mỏi âm ỉ khó chịu, ngay cả vào ban đêm. Điều này khiến bệnh nhân không thể sinh hoạt theo nhịp độ bình thường, từ đó dễ dẫn đến nguy cơ suy giảm chất lượng cuộc sống.
- Biến dạng khớp: Phong thấp có thể khiến khớp bị biến dạng, ảnh hưởng đến bao hoạt dịch và dây chằng. Những vấn đề này nếu không sớm giải quyết thì người bệnh phải đối mặt với các tổn thương nghiêm trọng phá hủy khớp xương, dẫn đến tàn phế.
- Ảnh hưởng đến những bộ phận khác: Trong một số trường hợp, bệnh phong thấp kéo dài còn có thể tác động xấu đến các cơ quan nội tạng khác, ví dụ như Tim, phổi, gan, thận,… với biểu hiện là: Tim đập nhanh, khó thở, thiếu máu, giảm tiết dịch,…
Phong tê thấp có chữa được không?
Ngoài vấn đề phong thấp có nguy hiểm không, người bệnh còn băn khoăn không biết liệu có chữa khỏi được không. Theo các chuyên gia, phong thấp được xếp vào dạng bệnh mãn tính. Điều này có nghĩa là bệnh nhân không thể giải quyết triệt để được tình trạng này.
Tuy nhiên, các biện pháp điều trị được áp dụng có thể giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và cải thiện được những cảm giác khó chịu. Bên cạnh đó, nếu người bệnh tích cực xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách luyện tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ chất, không sử dụng thuốc lá hoặc rượu bia thì sức khỏe có thể bình phục đáng kể.
Cách chữa bệnh phong thấp
Các biện pháp điều trị bệnh phong thấp phổ biến hiện nay gồm có:
Sử dụng các bài thuốc Đông y
Người bệnh lựa chọn cách chữa bằng Đông y có thể tham khảo các bài thuốc sau đây:
Bài thuốc số 1
Bài thuốc số 1 được dùng trong trường hợp phong thấp thể thấp tà với triệu chứng cơ bản là đau mỏi kèm theo tê bì, vận động khó khăn, đau nhức khớp. Bài thuốc có tác dụng trừ thấp, khu phong tán hàn.
Chuẩn bị: Cảm thảo, ý dĩ, ô dược, ma hoàng, khương hoạt, phòng phong, độc hoạt, ngưu tất, quế chi, xuyên khung, đan sâm, đẳng sâm, bạch chỉ, ngũ gia bì, xương truật, hoàng kỳ.
Cách thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.
Bài thuốc số 2
Với bệnh nhân phong thấp thể phong tý thì có thể áp dụng bài thuốc số 2. Công dụng chính của bài thuốc là tán hàn trừ thấp, hành khí, hoạt huyết, khu phong.
Chuẩn bị: Bạch truật, ma hoàng, đương quy, ý dĩ, thược dược, quế chi, cam thảo.
Cách thực hiện: Sắc uống đều đặn cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Áp dụng các bài thuốc dân gian
Người bệnh phong thấp cũng có thể áp dụng một số mẹo dân gian dưới đây:
Ngải cứu
Ngải cứu có tác dụng kháng viêm,, giảm đau nhức hiệu quả nên thường được dùng để làm giảm các triệu chứng lâm sàng ở người bệnh phong thấp. Bài thuốc này an toàn với cả trẻ em phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Chuẩn bị: 60g lá ngải cứu.
Cách thực hiện:
- Lá ngải rửa sạch, đem giã nát rồi sao nóng trên chảo.
- Người bệnh đắp thuốc vào khu vực khớp bị đau, mỗi ngày 1 -2 lần.
Cần tây
Cần tây là một trong những thực phẩm giàu hoạt chất chống viêm, có tác dụng rất tốt với người bệnh xương khớp và người suy giảm hệ miễn dịch. Không những vậy, sử dụng cần tây hàng ngày còn giúp bồi bổ sức khỏe, chống táo bón và lão hóa.
Chuẩn bị: 1kg cần tây (có thể gồm rễ).
Cách thực hiện:
- Cần tây rửa sạch, để ráo rồi cắt thành các khúc nhỏ. Cho cần tây ra một cái sàng rồi phơi khô.
- Người bệnh dùng cần tây phơi khô pha trà uống hàng ngày, mỗi ngày khoảng 5 đến 7g.
Phương pháp vật lý trị liệu
Người bệnh có thể được áp dụng vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng khó chịu như đau nhức hay tê bì tay chân. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể yêu cầu thực hiện xoa bóp, bấm huyệt hoặc châm cứu…
Biện pháp Tây y
Các biện pháp Tây y được sử dụng trong điều trị phong thấp gồm có:
- Thuốc đường uống: Dùng thuốc là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Tùy theo tình trạng bệnh và nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp, ví dụ như thuốc chống viêm NSAIDs, thuốc DMARDs, thuốc ức chế miễn dịch,…
- Can thiệp ngoại khoa: Đối với các trường hợp có nguy cơ biến chứng thì bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật. Thông qua phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần khớp bị tổn thương hoặc hoại tử (nếu có).
Phong thấp là tình trạng phổ biến và có thể tiềm ẩn những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Bệnh nhân nếu phát hiện các triệu chứng như đau khớp mỏi cơ bắp, ăn uống không ngon,… thì nên nhanh chóng đến thăm khám tại bệnh viện và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.