Chăm sóc bệnh nhân viêm phổi đúng cách, khoa học sẽ giúp người bệnh sớm hồi phục sức khỏe và hạn chế các nguy cơ biến chứng sau điều trị. Tuy công việc này không quá khó khăn nhưng đòi hỏi người chăm sóc phải nắm được một số kiến thức cơ bản về điều dưỡng để đảm bảo hiệu quả. Dưới đây là một số thông tin bạn cần biết khi chăm sóc người mắc bệnh viêm phổi.
Lập kế hoạch chăm sóc người bệnh nhân viêm phổi
Để chăm sóc người mắc bệnh viêm phổi hiệu quả, bạn cần lập kế hoạch rõ ràng những công việc cần làm, về chế độ dinh dưỡng và giáo dục sức khỏe cho người bệnh. Trong suốt thời gian này, cả người chăm sóc và người bệnh đều cần phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch được đưa ra. Như vậy việc chăm sóc sức khỏe mới đảm bảo hiệu quả, an toàn và giúp người bệnh sớm phục hồi thể trạng.

Kế hoạch chăm sóc người mắc bệnh viêm phổi gồm có các công việc sau:
- Tăng cường khả năng lưu thông đường thở cho người bệnh
- Chống mất nước, bổ sung nước cho người bệnh
- Hạn chế mất năng lượng cho bệnh nhân
- Giáo dục sức khỏe, giúp người bệnh tự chăm sóc sức khỏe đúng cách
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho người bệnh
- Lưu ý về vấn đề vệ sinh cá nhân, giữ môi trường sống trong lành cho người bệnh
Thực hiện kế hoạch chăm sóc người mắc bệnh viêm phổi
Về việc tăng cường lưu thông đường thở cho người bệnh
Trong công việc ngày, người chăm nuôi bệnh nhân cần lưu ý đến các vấn đề sau:
- Khuyến khích người bệnh tích cực uống nước, đặc biệt là các loại nước ép rau củ, nước ép trái cây. Nước sẽ giúp làm loãng dịch đờm, kích thích long đờm để tống thải dịch đờm ra khỏi đường thở, giúp người bệnh hô hấp dễ dàng hơn
- Người chăm sóc làm ẩm không khí để người bệnh hít thở thuận lợi, hạn chế gây kích ứng đường thở. Đồng thời tập cho người bệnh thói quen hít vào bằng đường mũi và thở ra qua môi. Nên khuyến khích người bệnh đeo khẩu trang để đảm bảo vệ sinh và hạn chế lây bệnh cho người khác
- Giúp người bệnh ho để thải đờm dãi ra ngoài. Thực hiện bằng cách hướng dẫn người bệnh ngồi ở tư thế hơi cúi đầu về phía trước, gập đầu gối hông lại để làm mềm cơ bụng, tránh để bị căng cơ khi ho. Hướng dẫn người bệnh từ từ hít vào bằng đường mũi và thở ra qua môi mím. Mỗi lần thở ra thì ho 2 lần, co cơ bụng lại trong khi ho. Người chăm sóc thực hiện động tác vỗ và rung lồng ngực và yêu cầu người bệnh thở sâu kết hợp ho mạnh để thải đờm ra ngoài
- Tiến hành hút dịch đờm bằng dụng cụ y tế đã được sát trùng với các trường hợp viêm phổi nặng, không thể tự ho
- Trong trường hợp người bệnh cần thở oxy thì cần theo dõi sát sao hiệu quả của quá trình thở oxy cũng như nồng độ oxy được chỉ định
- Cho người bệnh uống thuốc long đờm và thuốc kháng sinh theo y lệnh của bác sĩ
Chống mất nước và bổ sung nước cho người bệnh
Các công việc cần thực hiện:
- Cho người bệnh uống khoảng 2 – 3 lít nước mỗi ngày để chống mất nước do sốt cao. Có thể bổ sung thêm nước cho người bệnh bằng cách uống thêm sữa tươi, nước hoa quả hoặc cháo loãng
- Truyền dịch trong trường hợp cần thiết và có chỉ định của bác sĩ
Chống mất năng lượng cho người bệnh
Người chăm sóc cần cho người bệnh nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế vận động mạnh. Cho người bệnh nằm theo tư thế cao đầu, thường xuyên thay đổi tư thế và yêu cầu người bệnh uống thuốc giảm đau, thuốc giảm ho theo đúng chỉ định.
Giáo dục sức khỏe, giúp người bệnh tự chăm sóc sức khỏe đúng cách
Hướng dẫn người bệnh tự biết cách chăm sóc sức khỏe của mình, tự làm các công việc đơn giản như uống nước, vệ sinh cá nhân, thay quần áo,… Với trẻ nhỏ, bố mẹ có thể giúp con làm những công việc này nhưng sau khi hết sốt cần cho trẻ hoạt động thể chất nhẹ nhàng để tăng cường sự linh hoạt cho cơ thể.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh

Đối với bệnh nhân viêm phổi alf người già, chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng, giúp người bệnh sớm cải thiện sức khỏe. Ngược lại, nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hụt chất dinh dưỡng sẽ kéo dài thời gian điều trị và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Chế độ ăn của người già mắc bệnh viêm phổi là những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, thực phẩm giàu đạm và vitamin như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, hoa quả tươi, rau xanh,…uống đủ nước mỗi ngày. Ngoài ra cần bổ sung thêm chất điện giải nếu người bệnh có triệu chứng sốt, tiêu chảy, nôn mửa,…
Người mắc bệnh viêm phổi không được sử dụng đồ ăn thức uống có chất kích thích. Cũng không nên ăn các thực phẩm cứng, khô rắn, khó tiêu,… khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá tải để tiêu hóa thức ăn.
Lưu ý vấn đề vệ sinh cá nhân cho người già bị viêm phổi
Viêm phổi là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra khi sống trong môi trường khói bụi, thời tiết thay đổi thất thường,… Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bệnh trở nặng hơn. Do đó, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân viêm phổi, người chăm nuôi cần lưu ý người bệnh duy trì thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ. Người bệnh nên súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên để tiêu diệt tác nhân gây bệnh đang khu trú ở khoang miệng, vòm họng. Đồng thời làm loãng dịch đờm, thông tắc đường thở và hạn chế biến chứng do nhiễm khuẩn gây ra.
Bên cạnh đó, người chăm nuôi cũng cần giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho người bệnh bằng cách thường xuyên quét dọn phòng bệnh, mở cửa sổ để lưu thông không khí, thường xuyên giặt giũ chăn màn và các dụng cụ cá nhân khác của người bệnh. Nếu người bệnh bị hôn mê, nằm cố định lâu dài thì nên sử dụng tã kháng khuẩn cho bệnh nhân để việc vệ sinh cá nhân được đảm bảo hơn.
Xem thêm:
- Viêm phổi kẽ sống được mấy năm? Có chữa được không?
- Viêm phổi thùy có ho ra máu không, điều trị bao lâu?
Trên đây là kế hoạch và các công việc cần làm khi chăm sóc bệnh nhân viêm phổi. Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp mọi người biết cách chăm sóc, hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho người bệnh tốt hơn. Chúc bạn đọc nhiều niềm vui!