Hội chứng đuôi ngựa hay hội chứng chùm đuôi ngựa là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đau dữ dội ở vùng thắt lưng. Đây là một cảnh báo nguy hiểm nhưng lại ít người biết đến và thường nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Nếu không được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị kịp thời, hội chứng này sẽ gây ra tình trạng tổn thương vĩnh viễn thậm chí là bại liệt chân.
Hội chứng đuôi ngựa là gì?
Đuôi ngựa (Cauda equina) là tên gọi của một bó dây thần kinh nằm ở phần cuối của cột sống. Chúng bao gồm rất nhiều các rễ dây thần kinh chạy dài qua cột sống thắt lưng, xương cùng và kết thúc ở phía sau của mỗi chân. Đuôi ngựa đảm nhiệm chức năng về cảm giác của các cơ quan vùng chậu và khả năng vận động của chi dưới. Đồng thời, chúng cũng hỗ trợ các chức năng của bàng quang và ruột.
Hội chứng đuôi ngựa có tên khoa học là Cauda equina Syndrome là hiện tượng tổn thương hoặc bị chèn ép của bó dây thần kinh này. Người bệnh sẽ thấy đau nhức vùng lưng, tê nhức vùng mông, lan xuống đến chân, ruột và bàng quang bị mất kiểm soát. Bệnh nhân mắc hội chứng này thường phải nhập viện cấp cứu gấp để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.
Phân loại hội chứng đuôi ngựa
Hội chứng đuôi ngựa được phân chia thành 3 dạng như sau:
- Hội chứng đuôi ngựa cao: Là tổn thương từ vị trí L1 đến S5, làm liệt mềm hai chân, rối loạn cảm giác ở mông và chân, rối loạn cơ vòng ngoại vi.
- Hội chứng đuôi ngựa giữa: Là tổn thương từ vị trí L3 đến S5 gây liệt hoàn toàn các ngón chân và bàn chân, rối loạn cảm giác ở đùi, mông và toàn bộ chân.
- Hội chứng đuôi ngựa thấp: Là tổn thương từ vị trí S3 đến S5 gây rối loạn các giác khu vực yên ngựa, rối loạn cơ vòng kiểu ngoại vi.
Triệu chứng hội chứng đuôi ngựa
Các triệu chứng rất dễ gặp phải do hội chứng chùm đuôi ngựa gây ra gồm:
- Vùng thắt lưng bị đau nhức dữ dội
- Yếu cơ, bị mật cảm giác, đau ở một chân hoặc cả hai chân
- Vùng cơ thể ngồi trên yên ngựa bị mất cảm giác
- Chức năng của bàng quang bị rối loạn gây tiểu không tự chủ, bí tiểu
- Rối loạn cảm giác ở trong trực tràng, bàng quang
- Phản xạ ở chân bị mất
- Gây rối loạn chức năng tình dục
Nguyên nhân hội chứng chùm đuôi ngựa
Vì nằm ở khu vực chứa rất nhiều rễ dây thần kinh, nên hội chứng chùm đuôi ngựa dễ dàng xuất hiện khi những dây thần kinh này bị đè nén hoặc tổn thương. Cụ thể các nguyên nhân gây bệnh thường gặp là:
- U ống thủy tinh nội tủy ở vùng đuôi ngựa làm tổn thương đến chùm đuôi ngựa và túi cùng thắt lưng.
- U dây thần kinh vùng đuôi ngựa nếu để phát triển đến kích thước lớn mà không được xử lý nhanh sẽ gây ra hội chứng đuôi ngựa.
- Những chấn thương mạnh do tai nạn hoặc tác động từ bên ngoài làm vỡ đốt sống, thủng thắt lưng, tổn thương ống sống… làm xuất hiệu hội chứng này ngay sau đó.
- Tình trạng viêm cột sống mãn tính, hẹp ống sống thắt lưng sẽ khiến ống sống thu nhỏ lại từ đó chèn ép vào chùm đuôi ngựa.
- Nhiễm trùng ống sống, áp xe ngoài màng cứng tủy gây tổn thương các mô và tạo áp lực lên ống sống là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới hội chứng chùm đuôi ngựa.
- Còn một số bệnh lý khác như: Thoát vị đĩa đệm, vỡ đĩa đệm thắt lưng, gãy xương, xuất huyết cột sống… đều có nguy cơ cao hình thành hội chứng về đuôi ngựa.
Chẩn đoán hội chứng đuôi ngựa
Để chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa, người bệnh sẽ được kiểm tra bằng 2 phương pháp là chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán cận lâm sàng.
Chẩn đoán lâm sàng
Sau khi nhận được những thông tin về tình trạng sức khỏe và các triệu chứng hiện tại của bệnh nhân, bác sĩ sẽ áp dụng một số phương pháp kiểm tra để chẩn đoán lâm sàng. Dùng phương pháp châm kim để đo mức độ đau, kiểm tra lại các chức năng của ruột và bàng quang, khả năng phản xạ và vận động của chân…
Chẩn đoán cận lâm sàng
Bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang, cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính và xét nghiệm máu để chẩn đoán cận lâm sàng. Nhờ vào những kỹ thuật này mà bác sĩ có thể nhìn thấy được những tổn thương của ống sống, mức độ chèn ép dây thần kinh và những vấn đề khác đang xảy ra với người bệnh.
Điều trị hội chứng chùm đuôi ngựa
Nhằm ngăn chặn những tổn thương và giải phóng cho hệ thống dây thần kinh, người bệnh sẽ được làm phẫu thuật để điều trị hội chứng đuôi ngựa. Phương pháp này giúp người mắc bệnh có khả năng hồi phục là cao nhất. Thời gian để thực hiện phẫu thuật lý tưởng nhất là trong vòng 48 giờ kể từ khi hội chứng xuất hiện.
Sau khi phẫu thuật xong, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng thêm một số loại thuốc để hỗ trợ quá trình làm lành vết thương và hạn chế nhiễm trùng như:
- Một số loại thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng.
- Thuốc Corticosteroid liều cao để kiểm soát cơn đau nhức, sưng tấy sau phẫu thuật.
- Nếu như người mắc bệnh có các khối u sẽ được điều trị thêm bằng phương pháp xạ trị hoặc hóa trị.
Phục hồi chức năng hội chứng đuôi ngựa
Các bộ phận như bàng quang, trực tràng, hai chi dưới, cơ quan sinh dục là nơi bị suy giảm chức năng nhiều nhất khi mắc phải hội chứng đuôi ngựa. Vì vậy người bệnh cần áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng cụ thể như sau:
Đối với bàng quang
Sau khi tiến hành đo đạc niệu động học để đánh giá về tình trạng hoạt động của bàng quang. Người bệnh sẽ được chỉ định một số cách hồi phục như: Luyện tập các động tác cho cơ thành bụng, cơ đáy chậu, đặt máy thông tiểu, uống đủ nước mỗi ngày và giữ gìn vệ sinh để tránh bị nhiễm trùng, viêm đường tiết niệu.
Đối với trực tràng
Người bệnh nên thiết lập thời gian đi ngoài cố định trong ngày, bổ sung nhiều chất xơ, vitamin, omega-3. protein… để cải thiện vấn đề đi ngoài được dễ dàng hơn và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nên ngồi bồn cầu, dùng bô hoặc nằm nghiêng trái (nếu không ngồi được) giúp quá trình thải phân thuận lợi hơn, không tạo áp lực cho trực tràng.
Đối với hai chi dưới
Áp dụng các bài tập, kết hợp massage để hồi phục chức năng của hai chi dưới. Người bệnh nên chọn bài tập phù hợp với sức cơ và khả năng vận động của bản thân. Chúng sẽ giúp cải thiện độ linh hoạt của cơ, khớp. Có thể dùng thêm các công cụ hỗ trợ như khung tập đi. nạng, gậy để tập di chuyển trong phạm vi gần.
Đối với bộ phận sinh dục
Một số biện pháp như: Điều chỉnh hiện tượng rối loạn cương dương, tăng ham muốn tình dục… sẽ được áp dụng để cải thiện chức năng bộ phận sinh dục của người bệnh.
Thời gian hồi phục hội chứng chùm đuôi ngựa
Thời gian hồi phục hội chứng chùm đuôi ngựa còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, mức độ tổn thương các dây thần kinh, thời gian dây thần kinh bị chèn ép là bao lâu?… Với những người bệnh được phẫu thuật sớm thì các chức năng của bàng quang, ruột sẽ được phục hồi sau nhiều năm. Các biện pháp hỗ trợ sau mổ được áp dụng tốt thì sẽ giúp rút ngắn khoảng thời gian hồi phục.
Trong trường bệnh được phát hiện muộn và đã biến chứng thành dạng tổn thương vĩnh viễn thì phương pháp phẫu thuật cũng khó mang lại hiệu quả hồi phục cao. Người bệnh cần làm quen và thích nghi với việc bị mất các chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, giữ tinh thần vui vẻ lạc quan để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phòng ngừa hội chứng đuôi ngựa
Hội chứng đuôi ngựa là một hiện tượng khá nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa sớm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, vận động thường xuyên không nên đứng, ngồi quá lâu với 1 tư thế.
- Tránh những động tác thay đổi tư thế đột ngột để phòng bệnh thoát vị đĩa đệm.
- Luyện tập thể thao, lao động phù hợp để tránh các chấn thương vùng cột sống.
- Tham gia những môn thể thao giúp tăng cường độ linh hoạt cho xương khớp như: Yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe…
- Hạn chế sử dụng những thực phẩm, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ để tránh hiện tượng thừa cân béo phì.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.
- Bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho hệ cơ xương khớp.
Nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nào của hội chứng đuôi ngựa, bạn nên đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị ngay. Tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc giảm đau quá liều lượng vì chúng có thể để lại nhiều tác dụng phụ và gây khó khăn cho quá trình chữa bệnh.