Ho khan là tình trạng thường gặp ở mọi người với nguyên nhân phổ biến liên quan đến hệ thống hô hấp. Trong một số trường hợp không được xử lý kịp thời, người bệnh có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống và sức khỏe. Hãy cùng bài viết sau đây điểm qua các thông tin cần thiết liên quan đến triệu chứng này nhé!
Ho khan là gì?
Ho khan có thể hiểu đơn giản là việc bạn ho nhưng không có chất nhầy (đờm) thoát ra từ cổ họng. Đây vốn không phải là một loại bệnh mà là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ những thứ đang gây cản trở cho đường thở, giúp quá trình hô hấp trở nên thuận lợi hơn.
Ho khan là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Đa phần các trường hợp bệnh nhân đều xuất phát từ việc nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus cúm thông thường. Các bác sĩ chia tình trạng này thành hai dạng chính là cấp tính và mãn tính. Đối với dạng ho không kèm đờm mãn tính, thời gian triệu chứng diễn ra có thể lên đến hơn 2 tháng.
Ho không có chất nhầy có thể xảy ra ở tất cả mọi người, từ người lớn đến trẻ em, từ nam giới đến nữ giới. Nếu tình trạng ho của bạn kéo dài nhiều ngày không khỏi hoặc ho kèm theo các biểu hiện như tức ngực, khó thở,… thì bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Dấu hiệu nhận biết ho khan
Như đã nêu ở trên, dấu hiệu chính để nhận biết ho khan chính là việc cơ thể xảy ra phản ứng ho nhưng không tiết ra chất dịch đờm nhầy. Bên cạnh triệu chứng này, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác liên quan đến nguyên nhân bệnh lý như:
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, cơ bắp và thái dương đau nhức, ăn không ngon hoặc không muốn ăn.
- Cổ họng sưng đỏ và đau rát. Một số trường hợp có thể bị sưng amidan và nổi hạch ở phần dưới hàm.
- Giọng trở nên khàn đặc hoặc mất giọng. Hơi thở đứt quãng, thở khò khè, cảm giác đau tức ở lồng ngực và bụng.
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, hắt hơi kéo dài.
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng dưới đây kèm với ho khan thì cần đi khám sớm tại các cơ sở y tế để tránh tình huống nguy hiểm cho sức khỏe:
- Khó thở, thở gấp hoặc không thở được. Lồng ngực cảm thấy đau tức dữ dội mỗi khi hít thở sâu.
- Nhiệt độ tăng cao hơn 38 độ C kèm theo đó là tình trạng cơ thể mất nước hoặc đi tiểu tiện liên tục.
- Tình trạng sưng phù ở chân hoặc mắt cá chân.
- Cổ họng sưng đau nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc nhai nuốt thức ăn, thức uống.
Nguyên nhân gây ho khan
Ho khan có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, các lý do phổ biến gồm có:
Nhiễm trùng đường hô hấp
Đây được xem là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng ho không có đờm. Với những trường hợp này, ho khan có thể trở thành ho có đờm sau một khoảng thời gian ủ bệnh và khi các phế nang bị viêm. Các loại vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm có thể kể đến là: Virus cúm mùa, virus bệnh sởi, virus bệnh phổi, vi khuẩn liên cầu nhóm A,..
Các bệnh hệ hô hấp mãn tính
Có một số dạng bệnh hô hấp mãn tính mãn tính là nguyên nhân của những cơn ho không đờm kéo dài, nổi bật nhất là co thắt phế quản, hen suyễn, dị ứng (thời tiết, phấn hoa, lông thú,..) và bệnh phổi tắc nghẽn COPD. Người bệnh trong trường hợp này cần nhờ cậy đến các loại thuốc tân dược để duy trì và tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày.
Môi trường không khí xung quanh ô nhiễm
Các cơn ho không có chất nhầy xảy ra đột ngột có thể xuất phát từ việc môi trường không khí xung quanh bạn bị ô nhiễm bởi bụi mịn, khói bụi hoặc các chất gây kích ứng cho hệ hô hấp khác. Khi hít phải những thứ này, đường thở rất dễ trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Hệ quả là cơ thể phản xạ lại bằng cách ho để giúp đường thở cảm thấy dễ chịu hơn.
Bệnh lý dạ dày
Có nhiều trường hợp bị ho khan kéo dài liên quan đến tình trạng axit dịch vị bên trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Chứng bệnh này được biết đến với tên gọi GERD, xảy ra khi cơ vòng của dạ dày bị rối loạn chức năng, khiến axit thường xuyên bị trào ngược. Khi axit tiếp xúc với niêm mạc cổ họng và gây kích ứng, có thể sẽ phản ứng lại bằng các cơn ho.
Các nguyên nhân khác
Bên cạnh những yếu tố thường gặp kể trên, chứng ho khan cũng có thể là dấu hiệu của một số các vấn đề khác như ung thư phổi, suy tim sung huyết, viêm màng phổi, thói quen hút thuốc thường xuyên, thanh quản có khối u, lupus ban đỏ hệ thống,…
Cách chữa ho khan
Tùy thuốc vào nguyên nhân gây ho mà các biện pháp điều trị sẽ có sự khác biệt. Tốt nhất là bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và chữa trị hiệu quả. Dưới đây là một số các cách chữa ho khan thường thấy nhất hiện nay bạn có thể tham khảo:
Các loại thuốc ho
Sử dụng Tây y là biện pháp đơn giản, tiện lợi và đem lại hiệu quả nhanh chóng nhất. Các loại thuốc ho hiện nay đa dạng cả về thành phần và cách điều chế, ví dụ như syrup, viêm ngậm, viêm uống,… Hầu hết những loại tân dược này đều giúp làm dịu lớp niêm mạc cổ họng đang sưng tấy, loại bỏ đờm nhầy (nếu có) và làm giảm đáng kể tần suất ho khan ở người bệnh.
Bạn nên dùng thuốc theo hướng dẫn từ bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Một số loại thuốc ho phổ biến có thể kể đến như Prospan, Bản Thanh, Chỉ Khái Lộ,…
Các bài thuốc dân gian
Nếu tình trạng ho của bạn không quá nghiêm trọng hoặc có nguyên nhân xuất phát từ chứng cảm lạnh, bạn có thể áp dụng các bài thuốc dân gian. Những bài thuốc này có thành phần tự nhiên nên ít gây kích ứng, thích hợp cho cả trẻ em và phụ nữ đang mang thai.
- Bài thuốc chanh, tắc và mật ong: Chanh hoặc tắc xắt miếng nhỏ, cho vào bát sứ, thêm vào mật ong rồi đem chưng cách thủy 20 đến 30 phút là có thể sử dụng.
- Bài thuốc từ trầu không: Chọn 20g lá trầu già, rửa sạch, nghiền nhuyễn rồi chắt lấy phần nước cốt. Thêm nước ấm vào phần nước cốt, thêm vào một chút muối và khuấy tan. Bạn dùng hỗn hợp thu được súc miệng ngày 1 đến 2 lần.
Xem thêm: 5 cách trị ho tại nhà cho người lớn an toàn, hiệu quả
Ho khan không phải là vấn đề nguy hiểm nếu bạn biết cách xử lý hiệu quả và hợp lý. Để phòng tránh tình trạng này, bạn nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A và C cũng như tích cực rèn luyện cơ thể bằng các hoạt động thể dục thể thao. Bên cạnh đó, đừng quên mang theo khẩu trang mỗi khi ra đường hay khi đến nơi công cộng.