Nhiều người thường bị ho gió khi thay đổi thời tiết. Dù không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng tình trạng này có thể khiến cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân xáo trộn không ít. Vậy phải làm sao mới có thể xử lý dứt điểm vấn đề trên? Bạn đọc hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây!
Ho gió là gì?
Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể, mục đích chính là loại bỏ những vật thể lạ tồn tại bên trong đường thở, giúp quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi. Trên thực tế, y học hiện đại chia ho thành hai dạng chính là ho khan và ho có đờm. Đối với ho gió, đây là cách gọi dân gian dùng để chỉ phản xạ ho khi thời tiết thay đổi, cơ thể nhiễm phải hàn khí.
Ho gió có thể xảy ra ở tất cả mọi người, nhất là những đối tượng có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ và người cao tuổi. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này thường là do thời tiết bước vào giai đoạn giao mùa, không khí trở nên lạnh và khô hanh, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của người bệnh.
Ho gió thường không kèm theo chất dịch nhầy như ho có đờm. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Cổ họng trở nên khô ráp. Khi nuốt nước bọt có cảm giác khó chịu hoặc như bị mắc xương cá.
- Niêm mạc họng sưng đỏ, thậm chí là bị viêm.
- Chảy nước mũi, sổ mũi, hắt hơi liên tục.
- Cơ thể mệt mỏi, đau đầu, đau xoang mũi, ăn uống không ngon, đắng miệng.
Ho gió kéo dài
Đa phần các trường hợp ho gió thường không kéo dài, nó có thể kéo dài trong một vài ngày kể từ khi tiết trời bắt đầu thay đổi. Nếu người bệnh có biện pháp chăm sóc phù hợp, ho sẽ thuyên giảm nhanh chóng ngay sau đó.
Nhưng cũng có một số người bị ho gió kéo dài. Theo các bác sĩ, đây có khả năng là dấu hiệu cảnh báo của những vấn đề mãn tính liên quan đến hệ hô hấp như hen suyễn, dị ứng, bệnh về phổi,… Chính vì vậy, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Cách trị ho gió
Ho gió có nhiều cách điều trị khác nhau, từ biện pháp dân gian tại nhà đến việc sử dụng Tây y. Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà người bệnh có thể lựa chọn và áp dụng. Dưới đây là một số cách chữa ho hiệu quả, an toàn mà bài viết tổng hợp được:
Giữ ấm cho vùng cổ
Khi thời tiết thay đổi và trở nên lạnh hơn, việc giữ ấm cho vùng cổ trở nên rất quan trọng. Điều này giúp hệ hô hấp, đặc biệt là khí quản, tránh được tình trạng nhiễm lạnh cũng như việc phản xạ ho xảy ra.
Người bệnh có thể sử dụng các loại áo cao cổ, khăn quàng đồng thời tăng cường uống nước ấm để hạn chế tình trạng chảy giọt từ khoang mũi.
Sử dụng các loại thuốc Tây y
Nếu cơn ho của người bệnh kéo dài và có mức độ dữ dội hơn bình thường, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc Tây y sau đây:
- Thuốc ho: Nhiều người thường dùng thuốc ho để làm giảm tần suất ho cũng như loại bỏ chất dịch đờm trong cổ họng. Khi bị ho gió người bệnh cũng có thể dùng thuốc ho với mục đích làm dịu họng, giảm cảm giác đau rát khó chịu. Trên thị trường có nhiều loại thuốc ho khác nhau, ví dụ như Prospan, Chỉ Khái Lộ,… bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và tìm mua tại hiệu thuốc.
- Thuốc giảm đau: Nhiều bệnh nhân bị ho gió thường kèm theo đau đầu, mệt mỏi, sốt, đau rát họng,… Trong những trường hợp này, thuốc giảm đau dạng nhẹ có thể phát huy tác dụng tốt. Chúng có khả năng giảm viêm và tác động lên quá trình truyền tín hiệu đau ở não bộ, nhờ thế mà các triệu chứng khó chịu được cải thiện nhanh chóng. Ví dụ: Acetaminophen, aspirin, ibuprofen,…
Sử dụng các bài thuốc Đông y
Người bệnh cũng có thể sử dụng Đông y để trị chứng ho gió. Đông y có thành phần dược liệu nên tính an toàn cao và ít gây ra tác dụng phụ đối với cơ thể. Dưới đây là một số bài thuốc được dùng phổ biến nhất hiện nay:
- Bài thuốc số 1: Bài thuốc này thích hợp với những người bị ho gió nhẹ, giúp đẩy lùi triệu chứng đau rát và sưng tấy ở cổ họng. Thành phần trong bài thuốc gồm có: Trần bì, liên kiều, mạch môn, tía tô, kim ngân hoa, xương bồ, thiên môn, tang diệp và cỏ mực.
- Bài thuốc số 2: Bài thuốc số 2 được dùng với trường hợp ho gió lâu ngày không khỏi với tác dụng tiêu viêm, trừ hàn hiệu quả. Các vị thuốc được dùng trong bài thuốc này gồm có: Bồ công anh, trần bì, kiên kiều, tía tô, phòng phong, kinh giới, kim ngân hoa, huyền sâm, lá húng chanh, cam thảo và bán hạ.
Cả hai bài thuốc kể trên đều được dùng theo cách sắc uống. Người bệnh dùng với liều lượng 1 thang mỗi ngày, dùng liên tục cho đến khi các triệu chứng chấm dứt hoàn toàn.
Các bài thuốc dân gian tại nhà
Các bài thuốc dân gian tại nhà là lựa chọn của rất nhiều người bệnh. Những bài thuốc thảo dược này thích hợp với trường hợp ho gió nhẹ, các triệu chứng không quá nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể thử tham khảo một số bài thuốc sau đây:
- Chanh hấp mật ong: Bài thuốc chanh mật ong được sử dụng rất phổ biến với nhiều tình trạng ho khác nhau, từ ho gió, ho khan đến ho có đờm. Cách thực hiện cũng rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần trộn mật ong, chanh tươi và muối hột lại rồi đem chưng cách thủy trong nửa tiếng là được.
- Tỏi ngâm rượu: Tỏi có chứa một hàm lượng lớn hoạt chất allicin với đặc tính chống viêm, kháng khuẩn mạnh mẽ. Sử dụng rượu tỏi thường xuyên không chỉ giúp trị ho mà còn tăng cường sức đề kháng. Cách thực hiện: Ngâm 20g tỏi tươi đã bóc vỏ trong 200ml rượu gạo nếp, thời gian ngâm tối tiểu 2 tuần. Mỗi lần sử dụng 5 đến 10ml là được.
Tham khảo thêm: 5 cách trị ho tại nhà cho người lớn an toàn, hiệu quả
Ho gió không phải vấn đề bệnh lý nghiêm trọng nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan khi gặp phải tình trạng này. Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, bệnh nhân cần tăng cường bảo vệ sức khỏe bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh đồng thời luyện tập thể dục thể thao ít nhất 45 phút mỗi ngày.
>> Có thể bạn quan tâm: Ho gà là gì? Bệnh có lây và có tự khỏi không?