Hẹp thực quản được biết đến là một trong những biến chứng rất thường gặp của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ về triệu chứng cũng cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh nên còn khá chủ quan trong việc điều trị. Điều này đã gây ra hệ quả xấu cho sức khỏe và khiến việc khám chữa bệnh trở nên phức tạp, tốn kém hơn.
Hẹp thực quản là gì?
Hẹp thực quản là thuật ngữ y học dùng để chỉ tình trạng lòng thực quản bị thu hẹp lại làm cản trở quá trình vận chuyển thức ăn xuống dạ dày. Bệnh có thể xảy ra do yếu tố bẩm sinh hoặc biến chứng của các bệnh về hệ tiêu hóa, đặc biệt là bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, các chấn thương vùng ngực cũng có thể để lại di chứng hẹp thực quản.
Nguyên nhân hẹp thực quản
Các nguyên nhân thường gặp của bệnh hẹp thực quản gồm có:
- Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Đây được xem là một trong những nguyên nhân điển hình nhất dẫn đến hẹp thực quản. Trào ngược dạ dày đã khiến lớp niêm mạc thực quản bị bào mòn dẫn đến viêm loét và gây ra những tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi. Các tổn thương này hình thành nên các mô sẹo trong thực quản khiến lòng thực quản dần bị thu hẹp lại.
- Do yếu tố bẩm sinh
Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thực quản của thai nhi đã có sự phát triển không bình thường hoặc bị tắc nghẽn. Bệnh thường xảy ra ở tuần thai thứ 4 và gây ra bệnh hẹp thực quản bẩm sinh.
- Do các khối u
Trong nhiều trường hợp hẹp thực quản có thể mắc phải do các căn bệnh nguy hiểm như: U ác tính bên ngoài thực quản, ung thư thực quản,….
Ngoài ra, bệnh hẹp thực quản cũng có thể xảy ra do sự hình thành của các mô sẹo trong thực quản sau điều trị xạ trị vùng ngực, cổ, người bệnh bị chấn thương thực quản sau nội soi hoặc do nuốt phải các chất hóa học có khả năng ăn mòn niêm mạc,…
Triệu chứng hẹp thực quản
Các biểu hiện thường gặp và dễ nhận biết nhất của bệnh hẹp thực quản gồm:
- Người bệnh cảm thấy khó khăn khi nuốt thực ăn, luôn có cảm giác vướng víu ở cổ họng và dễ bị mắc nghẹn khi nuốt thức ăn
- Khi nuốt các thực phẩm đặc, rắn có cảm giác khó thở, nghẹt thở
- Thường bị thở dốc, khó thở, đau tức vùng ngực và thượng vị
- Giảm cân đột ngột
Hẹp thực quản có nguy hiểm không?
Hẹp thực quản là căn bệnh gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh. Lòng thực quản càng bị thu hẹp thì khả năng nuốt thức ăn càng trở nên khó khăn, đau đớn. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ra biến chứng Barrett thực quản. Từ đó làm thay đổi hình thái và cấu trúc của thực quản. Người bệnh thường xuyên bị đau tức ngực, buồn nôn, đi ngoài phân đen, nôn ra máu,…
Những tác động này có thể kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư. Gây ra biến chứng ung thư thực quản, làm tăng nguy cơ tràn dịch màng phổi,… đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, hẹp thực quản được xem là một trong những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến hệ tiêu hóa mà người bệnh không được chủ quan.
Cách điều trị hẹp thực quản
Những cách điều trị hẹp thực quản được áp dụng phổ biến đó là:
Điều trị bằng thuốc Tây
Các loại thuốc Tây có tác dụng cải thiện triệu chứng bệnh hẹp thực quản thường được sử dụng là:
- Thuốc ức chế sự sản sinh acid dịch vị dạ dày
- Thuốc kháng acid, trung hòa acid dạ dày và làm giảm các triệu chứng ợ chua, đầy bụng,… do bệnh dạ dày gây ra
- Thuốc giúp điều hòa sự co thắt của ống tiêu hóa,..
Khi điều trị bệnh bằng thuốc Tây mọi người cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị và sự tư vấn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và tránh gặp phải những tác dụng phụ nguy hiểm.
Điều trị không dùng thuốc
Hiện nay có 2 kỹ thuật điều trị hẹp thực quản không dùng thuốc là:
- Nong thực quản: Phương pháp giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, giúp người bệnh ăn uống dễ dàng hơn. Tuy nhiên cách làm này chỉ mang tính tạm thời và sẽ gây ra cảm giác rất khó chịu cho người bệnh
- Đặt stent thực quản: Người bệnh được đặt stent vào vị trí lòng thực quản bị thu hẹp với mục đích cố định không gian lòng thực quản, giúp thực quản không bị thu hẹp lại
Điều trị phẫu thuật
Trong trường hợp cả 2 phương pháp điều trị nêu trên đều không mang lại hiệu quả thì người bệnh sẽ được cân nhắc thực hiện phương pháp phẫu thuật. Thế nhưng mọi người cần biết rằng sau phẫu thuật khoảng 1 năm bệnh vẫn có thể tái phát trở lại. Hơn nữa quá trình phẫu thuật cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và chi phí thực hiện khá tốn kém.
Phòng ngừa hẹp thực quản
Hẹp thực quản là bệnh lý rất phổ biến có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù vậy mỗi người chúng ta đều có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả nếu chú ý hơn đến sức khỏe của mình.
Theo đó, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh mọi người nên thực hiện tốt các khuyến cáo sau:
- Duy trì tư thế nằm ngủ đúng, kê cao đầu so với giường để hạn chế sự trào ngược acid dạ dày
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh với thói quen sinh hoạt khoa học. Thực hiện nguyên tắc “ăn chậm – nhai kỹ” để làm giảm áp lực cho dạ dày. Không ăn quá no, không để bụng quá đói. Tránh xa các thực phẩm dễ gây kích thích như: Thức ăn chua, cay, thức ăn nóng, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, bia rượu và các loại đồ uống có cồn khác,…
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao. Góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch, giúp tăng cường chức năng hệ tiêu hóa
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để được tầm soát sớm nguy cơ bệnh tật và có phương pháp điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng xấu
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh hẹp thực quản và cách điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Hy vọng nội dung bài viết đã giúp mọi người trang bị thêm cho mình những kiến thức hữu ích để bảo vệ sức khỏe tốt hơn.