Giãn dây chằng lưng thường gây cảm giác đau nhức và căng cứng khó chịu, thậm chí khiến người bệnh không thể thực hiện được các hoạt động hàng ngày. Tuy rằng tình trạng này ít gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng người bệnh nên sớm có biện pháp điều trị và cải thiện. Để biết thêm những thông tin hữu ích về giãn dây chằng vùng lưng, bạn đọc hãy theo dõi trong bài viết sau!
Giãn dây chằng lưng là gì?
Giãn dây chằng lưng là tình trạng căng thẳng quá mức xảy ra ở những cơ bắp bao quanh khớp xương của cột sống lưng. Bất cứ vị trí nào của lưng cũng có thể bị giãn dây chằng nhưng phổ biến hơn cả là khu vực thắt lưng. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh thường cảm thấy đau nhói đột ngột, thậm chí khiến cơ thể căng cứng và không thể hoạt động như bình thường được.
Giãn dây chằng lưng khá phổ biến, có thể xảy ra ở tất cả mọi người, bao gồm cả nam giới, nữ giới, người trẻ tuổi và người lớn tuổi. Tuy nhiên, nhóm đối tượng có nguy cơ cao hơn cả là những người thường xuyên phải vận động mạnh (vận động viên, công nhân, thợ xây,…), người làm việc quá sức và phụ nữ mang thai. Giãn dây chằng ở lưng nên được điều trị sớm để tránh tác động xấu đến sức khỏe cũng như sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Nguyên nhân giãn dây chằng lưng
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hiện tượng giãn dây chằng vùng lưng, nổi bật trong đó là:
- Chấn thương: Chấn thương được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng giãn dây chằng. Dưới tác động của ngoại lực (ví dụ: Ngã khi chơi thể thao, tai nạn ô tô, xe máy,..), dây chằng lưng rất dễ bị tổn thương và căng thẳng quá mức. Hậu quả là người bệnh bị đau và căng giãn dây chằng.
- Sai tư thế: Nhiều người bị giãn dây chằng ở lưng do sai tư thế, nhất là khi cúi người xuống để nâng vật nặng. Trong trường hợp này, người bệnh thường cảm thấy nhói buốt ở phần lưng, cơn đau khó chịu thậm chí còn khiến bệnh nhân không thể hoạt động tiếp được nữa.
- Vận động quá sức thời gian dài: Nguyên nhân này là yếu tố dễ gây ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương khớp ở con người nhất. Cơ thể chúng ta cần thời gian nghỉ ngơi để hồi phục năng lượng và giảm căng thẳng. Chính vì vậy, khi bệnh nhân vận động quá sức trong một thời gian dài thì rất dễ bị đau nhức cơ bắp và giãn dây chằng.
- Thoái hóa cột sống: Ngoài các nguyên nhân bên ngoài, giãn dây chằng lưng còn có thể do thoái hóa cột sống gây ra. Khi cột sống thoái hóa, những bộ phận cấu thành và xung quanh nó có thể bị ảnh hưởng theo, bao gồm cả dây chằng. Lúc này, dây chằng lưng không còn giữ được độ đàn hồi như ban đầu và rất dễ bị căng thẳng, căng giãn.
Triệu chứng khi bị giãn dây chằng lưng
Người bệnh bị giãn dây chằng lưng thường gặp phải các triệu chứng sau đây:
Đau âm ỉ hoặc nhức nhối ở sau lưng
Biểu hiện đặc trưng của căng giãn dây chằng vùng lưng là cảm giác đau lưng âm ỉ hoặc nhức nhối rất khó chịu. Đây là hiện tượng thường thấy khi các cơ bị căng thẳng và tổn thương. Cơn đau có thể kéo dài vài ngày, thậm chí là vài tuần lễ nếu tình trạng ban đầu ở mức độ nghiêm trọng.
Đau trở nên nặng hơn khi vận động
Tương tự như đau xương khớp, đau do giãn dây chằng cũng trở nên tồi tệ hơn khi người bệnh vận động thân thể. Ví dụ như cơn đau bùng phát khi bệnh nhân chuyển từ tư thế ngồi sang đứng dậy, đau khi thức dậy vào buổi sáng sớm,…
Lưng căng cứng
Ngoài cảm giác đau nhức, người bệnh giãn dây chằng lưng cũng thường có hiện tượng căng cứng. Do căng cứng kéo dài mà những cử động cơ bản như cúi người, xoay vặn người có thể bị hạn chế đáng kể.
Viêm sưng dây chằng
Dây chằng lưng bị căng thẳng do chấn thương hoặc bệnh lý có thể đi kèm cả tình trạng viêm sưng. Người bệnh cảm nhận rõ ràng hơn cả khi chạm tay vào vùng lưng bị tổn thương và thấy mềm hoặc dễ lún tay. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị co thắt cơ giống như chuột rút rất khó chịu.
Giãn dây chằng lưng có nguy hiểm không?
Giãn dây chằng về cơ bản không phải là vấn đề quá nguy hiểm và nghiêm trọng, ngay cả khi nó xảy ra ở vùng lưng. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý và điều trị theo hướng dẫn của trung tâm y tế là có thể hồi phục hiệu quả. Tuy nhiên, đối với các trường hợp liên quan đến chấn thương nặng hoặc thoái hóa cột sống, tốt nhất là bệnh nhân nên sớm có biện pháp xử lý để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra. Ví dụ như:
- Khả năng vận động bị suy giảm, người bệnh gặp khó khăn nếu muốn cúi người hoặc xoay người.
- Đứt dây chằng và phải thực hiện phẫu thuật ngoại khoa để nối dây chằng. Tình trạng này cũng khiến người bệnh dễ mắc phải các tình trạng xương khớp khác về sau.
Chữa giãn dây chằng lưng đơn giản, hiệu quả
Tùy vào nguyên nhân giãn dây chằng lưng mà các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị khác nhau. Thông thường việc chữa bệnh được thực hiện thông qua các biện pháp như sau:
- Nghỉ ngơi: Để giảm cảm giác đau nhức khó chịu, người bệnh có thể lên giường nằm nghỉ ngơi. Trong quá trình này, bệnh nhân cũng có thể áp dụng phương pháp chườm nóng/ lạnh để gia tăng hiệu quả và thúc đẩy lưu thông máu tốt hơn.
- Xoa bóp, massage: Biện pháp xoa bóp, massage cũng được thực hiện phổ biến iwr người bị giãn dây chằng lưng. Thông qua xoa bóp, cơ lưng có thể được thả lỏng và thư giãn, nhờ vậy mà cảm giác căng cứng, đau nhức được cải thiện đáng kể. Người bệnh có thể xoa bóp thông thường hoặc kết hợp xoa bóp cùng với tinh dầu thực vật, thuốc giảm đau tại chỗ.
- Thuốc Tây y: Nếu các biện pháp nghỉ ngơi hay xoa bóp không giúp người bệnh cảm thấy đỡ hơn, sử dụng thuốc Tây y là lựa chọn đáng thử. Bệnh nhân có thể tìm mua thuốc giảm đau acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc miếng dán giảm đau.
Bài viết trên đây hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin thiết yếu về vấn đề giãn dây chằng lưng. Dù đây không phải là tình trạng nguy hiểm nhưng người bệnh cũng không nên chủ quan. Lời khuyên tốt nhất là bệnh nhân nên có các biện pháp xử lý tại chỗ kịp thời và đi khám nếu tình trạng không có tiền triển sau một vài ngày.