Gai cột sống L4 L5 được biết đến là một trong những bệnh lý điển hình nhất về hệ Cơ xương khớp thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên nếu không chăm sóc sức khỏe đúng cách và thói quen sinh hoạt không khoa học thì bất kể ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Vậy gai cột sống L4L5 là gì?
Gai cột sống L4 L5 là gì?
Gai cột sống L4L5 là thuật ngữ y khoa dùng để chỉ tình trạng đốt sống vị trí L4L5 trên cột sống xuất hiện các gai xương bất thường. Những chiếc gai xương này chèn ép lên tủy sống, dây thần kinh, dây chằng, gân cơ,… Từ đó gây ra triệu chứng đau nhức, tê bì chân tay. Biên độ vận động phần thân trên cơ thể ngày càng bị giới hạn.
Nguyên nhân gây gai cột sống L4 L5
Nguyên nhân điển hình nhất dẫn đến gai cột sống ở vị trí L4L5 là sự lão hóa tự nhiên của cơ thể. Càng về già, xương khớp, cột sống càng bị suy yếu, lão hóa và bào mòn. Khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng ngày càng kém hiệu quả gây ra bệnh gai cột sống L4L5.
Ngoài ra, bệnh còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như:
- Chấn thương ở cột sống vị trí L4L5: Đốt sống L4L5 bị chấn thương, rạn gãy đã đẩy nhanh tốc độ lão hóa và khiến các gai xương hình thành sớm hơn
- Sự lắng đọng canxi: Canxi trong cơ thể không được chuyển hóa hết thành chất dinh dưỡng mà lắng đọng lại ở đốt sống L4L5 và kết tinh thành các gai xương giả gây ra bệnh gai cột sống
- Mắc bệnh mãn tính về cột sống: Thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm cột sống,… cũng là nguyên nhân khiến cột sống bị bào mòn, các đầu xương cọ xát trực tiếp với nhau dần dần hình thành nên các gai xương cột sống
Triệu chứng gai cột sống L4 L5
Đau nhức cột sống tại vị trí bị gai xương là một trong những triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh gai cột sống L4L5. Ngoài ra, tùy vào mức độ bệnh lý và thể trạng của mỗi người mà các biểu hiện bệnh đi kèm sẽ có sự khác nhau nhất định.
Cụ thể như:
- Đau nhức ở vùng mô mềm quanh cột sống bị gai xương. Tính chất cơn đau có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng
- Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột với cường độ dữ dội hoặc âm ỉ kéo dài trong nhiều ngày
- Tầm vận động dần bị thu hẹp, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tư thế thẳng lưng. Hình dáng di chuyển có dấu hiệu lệch lạc, biến dạng
- Đôi khi người bệnh gặp phải tình trạng mất cảm giác vùng cột sống bị tổn thương
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị. Triệu chứng gai cột sống L4L5 ngày càng tăng nặng hơn với các biểu hiện như:
- Rối loạn khả năng vận động
- Cảm giác yếu cơ, tê bì chân tay, đặc biệt là ở hai chi dưới
- Rối loạn tiểu tiện, đại tiện
- Người bệnh thường bị đổ nhiều mồ hôi, tụt huyết áp
- Choáng váng, chóng mặt, mất khả năng giữ thăng bằng, đi đứng loạng choạng
- Xuất hiện các âm thanh bất thường ở cột sống L4L5 khi cử động
Ngoài ra, một số trường hợp còn gặp phải các triệu chứng toàn thân như: Mệt mỏi, chán ăn, cơ thể suy nhược, mất ngủ, khó ngủ, sụt cân nhanh chóng,…. Tinh thần luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, tăng tiết mồ hôi,….
Gai cột sống L4 L5 có nguy hiểm không?
Gai cột sống được biết đến là một trong những căn bệnh mãn tính về cột sống có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu không được điều trị sớm người bệnh có thể gặp phải những hậu quả nặng nề như:
- Vẹo cột sống: Tình trạng đau nhức khiến người bệnh có xu hướng cử động lệch về phía không đau. Dần dần khiến cột sống bị cong vẹo, biến dạng. Không chỉ làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe cũng như cuộc sống sinh hoạt
- Biến chứng hẹp ống sống: Gai xương L4L5 ngày càng phát triển và xâm lấn ra phía xung quanh. Từ đó làm hẹp ống sống, chèn ép lên tủy sống, dây thần kinh, dây chằng. Làm tăng nguy cơ tê liệt tứ chi
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Người bệnh mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang dẫn đến hiện tượng đại tiểu tiện mất tự chủ
- Bại liệt, tàn phế: Sự chèn ép tủy sống và dây thần kinh diễn ra trong thời gian dài khiến cho các gân cơ không được nuôi dưỡng. Dần dần dẫn đến tình trạng teo cơ, yếu cơ. Cuối cùng là bại liệt, người bệnh rơi vào trạng thái tàn phế suốt đời
Cách chữa gai cột sống L4 L5
Một số biện pháp điều trị bệnh gai cột sống L4 L5 được sử dụng phổ biến hiện nay, đó là:
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là việc cải thiện triệu chứng bệnh bằng các loại thuốc Tây có tác dụng giảm đau, chống viêm và giãn cơ. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến là:
- Paracetamol: Giúp giảm đau trong các trường hợp gai cột sống mức độ nhẹ
- Thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs: Có tác dụng chống viêm và giảm đau
- Thuốc giảm đau kê đơn: Codein, Naproxen,…là các loại thuốc giảm đau thường được sử dụng với những người bị đau nhức ở mức độ trung bình và nặng
- Thuốc giãn cơ: Được sử dụng với mục đích thư giãn gân cơ, giảm sự co thắt gây đau nhức do gai cột sống L4L5 gây ra
Với những trường hợp không đáp ứng được thuốc điều trị dạng uống thì bác sĩ sẽ chỉ định tiêm Steroid vào vị trí đau nhức để cải thiện triệu chứng bệnh.
Lưu ý: Điều trị gai cột sống L4L5 bằng thuốc Tây tiềm ẩn khá nhiều tác dụng phụ. Thường gặp như: Rối loạn tiêu hóa, suy giảm chức năng gan, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt,….
Vật lý trị liệu giảm đau hiệu quả
Điện quang, nhiệt trị liệu hoặc thực hiện bài tập giãn cơ,… là các liệu pháp vật lý trị liệu đem lại tác dụng tốt trong việc giảm đau, làm giãn cơ. Đồng thời giúp tăng cường sự linh hoạt cho xương khớp, cột sống. Giúp người bệnh vận động, sinh hoạt hiệu quả hơn.
Áp dụng biện pháp phẫu thuật
Là giải pháp cuối cùng trong y học được thực hiện khi việc điều trị bệnh bằng cả 2 phương pháp nêu trên đều thất bại. Sau phẫu thuật, cột sống, dây thần kinh sẽ được giải nén, giải phóng sự chèn ép, giúp phục hồi chức năng vận động cho người bệnh. Tuy vậy, không phải mọi ca điều trị phẫu thuật cũng đem lại hiệu quả tốt, hơn nữa chi phí thực hiện cũng khá tốn kém.
Trước đây bệnh gai cột sống L4L5 chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi khi xương khớp bị lão hóa tự nhiên theo tuổi tác. Hiện nay bệnh dần có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi và có thể mắc phải ở mọi đối tượng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó mọi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về bệnh để biết cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn.