Cổ họng có đờm là hiện tượng gây ra không ít phiền toái cho người bệnh. Song, đờm có mùi hôi còn gây ra sự khó chịu hơn thế nữa. Nghiêm trọng hơn, đây còn có thể là triệu chứng, dấu hiệu ban đầu của một số căn bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vậy, nguyên nhân của tình trạng này là gì? Cổ họng có đơm mùi hôi tanh nên làm gì để xử lý? Hãy cùng chúng tôi giải đáp thắc mắc trên thông qua bài viết dưới đây nhé.
Đờm có mùi hôi là bệnh gì?
Hiện tượng ho có đờm thường xuất phát từ sự thay đổi của thời tiết hoặc do ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường. Đôi khi, tình trạng này cũng bắt nguồn từ thói quen vệ sinh răng miệng không đúng cách, dẫn đến mùi hôi khó chịu. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý dưới đây:

Bệnh viêm Amidan hốc mủ
Viêm amidan hốc mủ là một dạng viêm amidan mãn tính phổ biến. Bệnh xảy ra do sự tích tụ vi khuẩn trong các hốc amidan. Theo thời gian, các hốc amidan này sẽ dần dần bị viêm nhiễm và hình thành các kén mủ. Do đó, cổ họng người bệnh sẽ thường xuyên xuất hiện dịch đờm có mùi hôi. Kèm theo đó, người bệnh cũng sẽ gặp phải một số triệu chứng khác như ho, khàn tiếng, mất tiếng, hắt hơi, đau rát họng và có thể bị sốt. Do các kén mủ trong amidan thường vón thành từng cục và có xanh lấm tấm, đôi khi bệnh này còn được gọi bằng tên khác là viêm amidan hốc mủ bã đậu.
Bệnh viêm xoang mủ
Bên cạnh viêm amidan hốc mủ, viêm xoang mủ cũng có thể là thủ phạm gây ra tình trạng đờm có mùi hôi. Nguyên nhân là bởi khi bị viêm xoang, các màng nhầy ở phần mũi, xoang và họng sẽ bị sưng, khiến cho các dịch nhầy bị cản trở không thể thoát ra ngoài. Nếu để lâu ngày, dưới sự xâm nhập của các vi khuẩn, các vùng xoang này sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, từ đó hình thành mủ trong các xoang.
Khi mắc phải căn bệnh này, bệnh nhân sẽ cảm thấy rất buồn nôn do cảm giác mủ chảy từ hốc mũi xuống. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh rất có thể sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, mù mắt, viêm tai, thậm chí là viêm màng não.
Ung thư vòm họng
Hiện tượng cổ họng có đờm kèm mùi hôi khó chịu thậm chí còn có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư vòm họng trong giai đoạn đầu. Đây là một bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Khi mắc phải căn bệnh này, bệnh nhân sẽ liên tục bị đau rát họng, khản tiếng, ngạt mũi, đau đầu, ù tai và có kèm nổi hạch ở vùng cổ. Đặc biệt, khi triệu chứng này liên tục kéo dài và không mang lại hiệu quả khi dùng thuốc thì bạn nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám.
Áp xe phổi
Áp xe phổi được hiểu đơn giản là tình trạng nhiễm trùng phổi, gây ra bởi sự hình thành các khoang chứa mảnh vụn hoại tử hoặc dịch cơ thể đã bị nhiễm trùng. Bệnh khiến các mô phổi bị hoại tử và hình thành các mảng sưng mủ. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể gặp phải rất nhiều các biến chứng nguy hiểm, ví dụ như: ho ra máu, xơ phổi, giãn phế quản,… Khi ổ áp xe bị vỡ thì người bệnh sẽ bị tràn mủ màng phổi, khiến cho phần đờm có mùi hôi khó chịu. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn có trong ổ áp xe còn có thể xâm nhập vao máu, gây ra tình trạng nhiễm trùng, dẫn đến sốc và gây tử vong cho người bệnh.
Cổ họng có đờm mùi hôi tanh phải làm gì?
Khi phát hiện cổ họng xuất hiện đờm có mùi hôi khó chịu, bạn có thể xử trí bằng một trong những cách sau đây.
Phương pháp điều trị tại nhà
Các phương pháp điều trị tại nhà là việc đầu tiên bạn nên áp dụng để giảm bớt mức độ nghiêm trọng của tình trạng trên. Cách làm này bao gồm nhiều biện pháp khác nhau, ví dụ như súc miệng bằng nước muối để làm giảm viêm, loại bỏ các vi khuẩn gây mùi khó chịu và vệ sinh họng một cách sạch sẽ. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý rằng, loại nước muối sử dụng phải là nước muối sinh lý. Chỉ có như vậy, cổ họng của bạn mới không bị gây hại.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tích cực bổ sung nhiều nước ấm để có thể giúp cổ họng tiêu đờm nhanh chóng. Trong đó, buổi sáng khi vừa thức dậy thường được coi là thời điểm tốt nhất. Ngoài ra, việc ngậm chanh muối hoặc hỗn hợp mật ong-gừng-quất cũng đem đến hiệu quả cao trong điều trị. Đây vốn được coi là những bài thuốc dân gian giúp trị ho, tiêu đờm, kháng viêm rất hiệu quả. Nhờ đó, người bệnh sẽ nhanh chóng khắc phục được hiện tượng cổ họng có đờm hôi tanh. Đồng thời, sớm lấy lại được giọng nói trong trẻo của chính mình.
Sử dụng các loại thuốc Tây

So với các phương pháp chữa trị dân gian, việc sử dụng thuốc Tây thường cho hiệu quả nhanh hơn trong việc điều trị cổ họng có đờm kèm mùi hôi. Trong đó, hai loại thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này bao gồm: Thuốc Terpin Hydrat và Acetylcystein.
Nguyên lý của Terpin Hydrat là thủy hợp các dịch nhầy trong phế quản. Vì thế, chúng có thể giúp làm long đờm hiệu quả. Trong khi đó, Acetylcystein lại làm giảm độ đặc quánh của đờm và giúp đẩy chúng ra ngoài thông qua các cơn ho. Tuy nhiên, cả hai loại thuốc này đều có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định cho cơ thể. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn sử dụng cho đúng cách, đúng liều lượng.
Tới bệnh viện thăm khám
Như đã nói ở trên, đờm có mùi hôi thường xuất phát từ những nguyên nhân thay đổi thời tiết và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, tốt nhất bạn vẫn nên tới bệnh viện để được thăm khám và tư vấn cụ thể, nhất là khi các phương pháp chữa trị tại nhà không mang lại hiệu quả và bệnh kéo dài liên tục. Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm cũng là điều cần thiết để phòng ngừa, phát hiện sớm những căn bệnh nguy hiểm.
Trên đây là tổng hợp một số thông tin liên quan đến tình trạng đờm có mùi hôi. Hi vọng qua bài viết, bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!