Đau xương chậu có thể đem đến cảm giác khó chịu ngay cả khi người bệnh ngồi nghỉ hoặc hoạt động. Nếu không sớm tìm ra nguyên nhân và có các biện pháp xử lý kịp thời, sức khỏe của bệnh nhân có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề. Bài viết sau đây tổng hợp những thông tin cơ bản liên quan đến vấn đề nói trên, bạn đọc quan tâm đừng bỏ lỡ!
Đau xương chậu là gì?
Đau xương chậu là cảm giác nhức mỏi khó chịu xuất hiện ở khu vực cuối cột sống lưng và phía trên đùi, bao gồm cả hông, bẹn. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong một số trường hợp, đau nhức xương khớp ở vùng xương chậu có thể âm ỉ kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.
Theo các chuyên gia, khi người bệnh gặp phải hiện tượng đau xương chậu tốt nhất là nên nhanh chóng đi khám tại các cơ sở y tế. Điều này có thể giúp bệnh nhân tránh được những nguy cơ tiềm ẩn có khả năng tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Nguyên nhân đau xương chậu
Có nhiều nguyên nhân gây đau xương chậu khác nhau, nổi bật trong đó có thể kể đến như:
Các tình trạng liên quan đến hệ tiêu hóa
Đây được coi là nguyên nhân thường thấy nhất của những cơn đau ở vùng chậu. Một số tình trạng liên quan đến hệ tiêu hóa, đặc biệt là đường ruột, ví dụ như: Viêm, nhiễm trùng ruột thừa, hội chứng ruột kích thích, tắc ruột, táo bón nặng,… Ngài cảm giác đau xương chậu, người bệnh còn có thể cảm thấy khó chịu đến quặn thắt ở bụng dưới, đổ mồ hôi liên tục, ăn uống không ngon,…
Các bệnh về xương khớp
Ngoài các vấn đề về tiêu hóa nói trên, đau nhức xương chậu cũng có thể liên quan đến bệnh xương khớp, ví dụ như thoái hóa khớp háng, hội chứng chùm đuôi ngựa, đau thần kinh tọa. Trong trường hợp này, cảm giác khó chịu vùng chậu thường kéo dài dai dẳng, thậm chí còn đi kèm với triệu chứng tê bì vùng yên ngựa, mất kiểm soát bàng quang, ruột,….
Các bệnh về tiết niệu và thận
Có một số ít trường hợp đau xương chậu liên quan đến bệnh lý ở hệ thống tiết niệu và bệnh thận, ví dụ như nhiễm trùng đường tiêu, sỏi thận, nhiễm trùng cầu thận,… Người bệnh lúc này thường cảm thấy khó chịu ở khu vực dưới rốn hoặc sau xương cụt, đi kèm với đó là các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu ra máu,…
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Bệnh lậu và chlamydia cũng có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau nhức khó chịu ở xương chậu. Những bệnh lý này đều liên quan đến vi khuẩn và thói quen quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài triệu chứng đau vùng chậu, người bệnh cũng bị ảnh hưởng nhiều ở bộ phận sinh dục.
Chấn thương vùng chậu
Nếu người bệnh không cẩn thận và bị ngã khi chơi thể thao, tai nạn xe cộ, va chạm với vật cứng ở vùng chậu,… thì cũng có thể bị đau nhức xương chậu. Đa phần những trường hợp này không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể hồi phục sau vài ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu rạn nứt xương chậu thì nên đi khám sớm.
Chẩn đoán đau xương chậu
Chẩn đoán đau xương chậu có thể được tiến hành thông qua các biện pháp sau đây:
- Khám tổng thể: Trước khi thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, người bệnh cần được khám tổng thể bởi bác sĩ. Họ thường hỏi một số vấn đề liên quan đến triệu chứng đồng thời xem xét vùng chậu của người bệnh. Nếu nghi ngờ do bệnh xương khớp, họ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các hoạt động thể chất như nâng chân, cúi người để theo dõi.
- Kiểm tra hình ảnh: Chụp X-quang, MRI, CT có thể được thực hiện để kiểm tra cấu trúc xương vùng chậu. Thông qua những biện pháp này có thể phát hiện tổn thương xương khớp do chấn thương hoặc thoái hóa gây ra.
- Xét nghiệm chuyên sâu: Ngoài kiểm tra hình ảnh, người bệnh cũng nên thực hiện thêm cả xét nghiệm chuyên sâu, ví dụ như phân tích thành phần máu, dịch âm đạo, tinh dịch, nước tiểu, tế bào tử cung,… Những xét nghiệm này giúp tìm ra nguyên nhân gây đau xương chậu không phải do bệnh xương khớp, ví dụ như nhiễm trùng vùng chậu, bệnh lây truyền qua đường tình dục,…
Đau xương chậu khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Các cơn đau xương chậu thường tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý cao. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng sau đây:
- Cảm giác đau kéo dài nhiều ngày không dứt hoặc cơn đau trở nên dữ dội hơn so với ban đầu.
- Đau không thuyên giảm dù người bệnh đã áp dụng một số biện pháp giảm đau tại nhà.
- Đau xương chậu kèm theo các tình trạng khác như mất kiểm soát bàng quang, đường ruột, đi tiểu ra máu, đau bụng dưới dữ dội, đau khi quan hệ tình dục, buồn nôn, sốt cao, chóng mặt, ăn uống kém ngon miệng, chảy máu bất thường dù không phải kỳ kinh ( ở phụ nữ),….
Cách làm giảm đau xương chậu
Việc điều trị đau xương chậu còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng các cách làm giảm đau sau đây:
- Chườm nóng/lạnh: Chườm luôn là biện pháp giảm đau tại chỗ nhanh chóng, hiệu quả. Người bệnh có thể chườm nóng hoặc lạnh tuy nhiên với các trường hợp đau do chấn thương phần mềm thì nên chườm lạnh trước khi áp dụng chườm nóng.
- Uống thuốc giảm đau, thuốc chống viêm: Sử dụng thuốc giảm đau (acetaminophen) hoặc thuốc chống viêm (naproxen, ibuprofen) cũng là một cách giúp cải thiện cảm giác khó chịu hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh không nên lạm dụng hoặc phụ thuộc vào những loại thuốc này vì có thể gây ra tác dụng không tốt với cơ thể.
- Vật lý trị liệu: Xoa bóp, massage, bấm huyệt, châm cứu,… là những biện pháp vật lý trị liệu giúp giảm đau xương khớp hiệu quả. Người bệnh nên tìm đến các trung tâm trị liệu chất lượng, uy tín và thực hiện điều trị theo hướng dẫn của chuyên gia.
- Tránh các hoạt động mạnh: Các cơn đau xương chậu có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bệnh nhân vận động mạnh. Chính vì vậy, trong thời gian điều trị, người bệnh nên hạn chế tối đa hoạt động thể chất không cần thiết, tăng cường nghỉ ngơi và luyện tập thể dục nhẹ nhàng.
Đau xương chậu do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, có thể chỉ đơn giản do chấn thương va đập, cũng có thể liên quan đến đường ruột, xương khớp, tiết niệu,… Chính vì vậy, người bệnh không nên chủ quan xem thường mà nên đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất.