Đau thần kinh tọa là một chứng bệnh khá phổ biến hiện nay, bệnh thường khởi phát ở nhóm người từ 30 tới 60 tuổi. những người từng đối mặt với cơn đau này thường cảm thấy ám ảnh bởi sự nhức nhối, khó chịu của nó. Cùng theo dõi bài viết sau đây để biết được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này.
Đau thần kinh tọa là gì?
Dây thần kinh tọa còn có tên gọi khác là dây thần kinh hông to. Dây thần kinh này xuất phát từ thắt lưng và chạy xuống qua vùng hông, vùng mông, phía sau chi dưới, đến tận ngón chân. Thần kinh hông to cũng là dây thần kinh có độ dài lớn nhất cơ thể. Mỗi bên cơ thể người đều có 1 dây thần kinh hông to.
Về bản chất, đau thần kinh tọa là một trong những hội chứng thần kinh đặc trưng bởi tình trạng đau nhức tại các khu vực mà dây thần kinh này và các nhánh của nó đi qua.
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý trên, nhưng chủ yếu là do hậu quả của các thương tổn tại rễ thần kinh hình thành bởi một chứng bệnh xương khớp nào đó. Các chuyên gia đã chia nguyên nhân dẫn đến hội chứng thần kinh này thành 2 nhóm chính, bao gồm:
Nguyên nhân không do bệnh lý
Sự tác động của ngoại lực có thể gây ra thương tổn cho rễ thần kinh tọa. Các chấn thương xảy ra trong quá trình sinh hoạt, vận động hoặc tai nạn… sẽ trực tiếp tác động tới rễ thần kinh. Trong một vài trường hợp bệnh nhân bị gãy xương cột sống lưng, gãy xương chậu cũng có thể làm dây thần kinh này bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, người bệnh vừa tiến hành tiêm thuốc vào vùng mông, phẫu thuật áp xe mông, tiêm vào vị trí dây thần tọa cũng có thể phải đối mặt với hiện tượng đau thần kinh tọa.
Nguyên nhân bệnh lý
Yếu tố bệnh lý là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng bệnh trên. Trong đó, các bệnh lý liên quan tới xương khớp chiếm đến 90% số ca bệnh:
- Thoát vị đĩa đệm: Bệnh lý này là yếu tố hàng đầu gây nên các thương tổn tại rễ thần kinh tọa. Đối với người trẻ, cơn đau lưng hông cấp tính có thể xảy đến nếu lao động quá nặng hoặc duy trì những động tác sai tư thế, cúi nâng đồ nặng, vặn xoay người đột ngột. ở người cao tuổi, hiện tượng thoái hoá đĩa đệm và cột sống là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến cơn đau thắt lưng hông dài ngày. Bên cạnh đó, người thừa cân, béo phì, người thường xuyên làm việc ở tư thế ngồi (nhân viên văn phòng, lái xe đường dài, công nhân làm việc theo chuỗi dây chuyền,…) có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn người khác.
- Thoái hoá cột sống: Căn bệnh mạn tính này thường dẫn đến nhiều tổn thương cho xương khớp như loãng xương, hình thành gai xương, thoát vị đĩa đệm, lắng đọng canxi khiến đốt sống biến dạng, phình đại dây chằng,…
- Viêm đốt sống: Nhóm người cao tuổi thường gặp phải bệnh lý này nhiều hơn. Bệnh gây chèn ép thần kinh nên bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức tại phần thắt lưng hông. Chứng bệnh trên có thể dẫn đến hẹp ống sống hay hội chứng chùm đuôi ngựa vô cùng nguy hiểm.
- Trượt đốt sống: Có thể do bẩm sinh hoặc chấn thương, bệnh thường đi kèm với hiện tượng thoái hoá cột sống và tổn thương rễ thần kinh. Trượt đốt sống nặng sẽ gây chèn ép thần kinh nghiêm trọng.
- Viêm cột sống dính khớp: Căn bệnh này thường phát triển chậm với triệu chứng co cứng khớp buổi sáng và đau khớp về đêm, đau khu vực thắt lưng hông và mông, lâu ngày có thể dẫn đến dính đốt sống, nguy cơ mất độ cong sinh lý của cột sống.
- Nhiễm trùng đốt sống: Tình trạng này có thể xảy ra do vi khuẩn lao, tụ cầu,…
Ngoài những bệnh lý nêu trên, hội chứng thần kinh này còn có thể xảy ra do nhiều bệnh khác như gai cột sống, u đốt sống, u thần kinh, u màng tủy, hẹp ống sống, bệnh giang mai, sốt rét, thương hàn,…
Triệu chứng đau dây thần kinh tọa
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây thương tổn mà triệu chứng của bệnh sẽ có phần khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết hội chứng thần kinh này dựa vào có dấu hiệu đặc trưng sau đây:
Cơn đau khi gắng sức
Cơn đau dây thần kinh tọa thường diễn ra khi bệnh nhân gắng sức để làm việc gì đó. Tình trạng đau này thường khởi phát tại vùng thắt lưng sau đó lan dần xuống mông, vùng đùi, vùng mặt sau chân và bàn chân. Nếu thương tổn bắt đầu tại đốt sống lưng L5, cơn đau sẽ xảy ra tại vùng thắt lưng rồi lan xuống mông, vùng mặt ngoài của đùi, mặt trước cẳng chân và mắt cá chân ngoài, tiếp tục lan xuống mu bàn chân và tới tận ngón chân cái.
Đối với trường hợp thương tổn tại đốt sống S1 thì cơn đau nhức lại bắt nguồn từ thắt lưng và lan đến mông, mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, gót chân, lòng bàn chân rồi tới bờ ngoài bàn chân và cuối cùng là ngón chân út.
Cơn đau nhức có thể diễn ra đột ngột, dữ dội hoặc âm ỉ, liên tục. Đau tăng lên khi bệnh nhân rặn đại tiện, hắt hơi, ho,… trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cảm thấy đau đớn, khó chịu tới mức không thể làm gì kể cả ngồi dậy.
Cơn đau khi thăm khám
Khi khám bệnh, bác sĩ có thể tiến hành nhiều thủ thuật nhằm tìm ra các biểu hiện đau bệnh bao gồm: kéo gối, khép đùi, nâng chân, day ấn dọc theo đường đi của dây thần kinh hông to,…
Cột sống bị vẹo, lệch, mất đi độ cong sinh lý
Khi cơn đau đã diễn ra lâu ngày, nhiều bệnh nhân có tư thế giảm đau làm cho cột sống bị vẹo, lệch về một bên, mất đi độ cong sinh lý vốn có, xương chậu nghiêng sang bên đối diện với chân bị đau, thắt lưng ưỡn ra phía trước, cơ thể bị cúi gập ra đằng trước như người gù nhằm giảm bớt sự chèn ép lên rễ thần kinh. Ngoài ra, tình trạng co cứng cơ cạnh đốt sống có thể diễn ra và vùng mông bị đau cũng có thể xệ xuống.
Giảm phản xạ gân gót
Nhiều khi cẳng chân bên bị đau của bệnh nhân bị co, bệnh nhân không thể đi bằng gót hoặc nhón gót.
Rối loạn thần kinh thực vật
Bệnh nhân mắc bệnh lý này rất có thể sẽ gặp phải những rối loạn về bài tiết mồ hôi, phản xạ nhiệt độ, phản xạ đau nếu tổn thương rễ thần kinh nghiêm trọng, dựng lông.
Đau thần kinh tọa có chữa khỏi được không?
Đau thần kinh tọa là căn bệnh có độ nguy hiểm nhất định bởi nó trực tiếp gây ảnh hưởng tới khả năng vận động, chất lượng cuộc sống và tinh thần của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời bằng các biện pháp phù hợp, cơn đau có thể kéo dài dai dẳng và chuyển thành mạn tính. Bệnh cũng có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm khác như thả bàn chân, làm tình trạng thoát vị nặng nề hơn, rối loạn thần kinh thực vật, trầm cảm, thậm chí yếu hoặc liệt chân.
Điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh lý trên là tìm đúng căn nguyên gây bệnh để chỉ định biện pháp phù hợp. Mặc dù vậy, về cơ bản để khắc phục bệnh thì vẫn có các biện pháp chung trong nội khoa thường được sử dụng như: Dán cao giảm đau, dùng thuốc giảm đau, nghỉ ngơi tại chỗ, đeo đai hỗ trợ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng,… Nếu may mắn, bệnh nhân có thể bình phục sau từ 2 đến 3 tuần trị liệu.
Cách chữa đau thần kinh tọa
Những nguyên tắc cần tuân thủ trong chữa trị đau dây thần kinh hông to bao gồm:
- Điều trị theo căn nguyên gây bệnh (chủ yếu nhất là tình trạng thoát vị đĩa đệm đốt sống lưng).
- Giảm đau, phục hồi khả năng vận động nhanh.
- Áp dụng trị liệu nội khoa đối với những người mắc bệnh ở giai đoạn nhẹ hoặc vừa.
- Áp dụng biện pháp điều trị ngoại khoa nếu xuất hiện những biến chứng liên quan tới vận động và cảm giác.
- Trường hợp đau dây thần kinh toạ bởi căn nguyên ác tính: Tiến hành biện pháp giải ép cột sống song song với điều trị chuyên khoa.
Sau khi đã xác định được yếu tố căn nguyên gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị sau đây:
Bệnh nhân cần được nằm đệm cứng, không nằm võng, không ngồi xích đu. Hạn chế ngồi một tư thế, đứng quá lâu, tránh bê vác đồ quá nặng hoặc các hoạt động mạnh, cúi gập người, xoay người đột ngột.
Trị liệu bằng thuốc
Những nhóm thuốc thường được sử dụng trong quá trình trị liệu chứng bệnh bệnh này là:
- Thuốc giảm đau: Tuỳ vào cường độ cơn đau mà dùng một hoặc phối hợp các thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol, thuốc kháng viêm không steroid, corticoid. Cần lưu ý rằng, nhóm thuốc này có thể gây ra tác dụng ngoài ý muốn trên cơ quan tiêu hoá, thận, tim, gan. Xem xét sử dụng kết hợp cùng thuốc giảm tiết axit và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày để hạn chế nguy cơ bị viêm loét dạ dày.
- Nếu bệnh nhân đau nhiều, mức độ đau mạnh có thể cần sử dụng các thuốc điều chế từ thuốc phiện, phổ biến là morphin.
- Các vitamin nhóm B gồm B1, B6, B12.
- Thuốc giãn cơ, thông dụng nhất là myolastan.
- Nếu cần thiết có thể phối hợp sử dụng thuốc an thần như seduxen hoặc xanax.
Vật lý trị liệu
Sau khi cải thiện cơn đau nhức cấp tính, bác sỹ có thể xây dựng quy trình phục hồi chức năng nhằm ngăn chặn các chấn thương sau này. Việc phục hồi chức năng thường gồm các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp, điều chỉnh lại tư thế cũng như cải thiện độ linh hoạt cho bệnh nhân. Một số kỹ thuật thường áp dụng là:
- Liệu pháp massage.
- Vận động trị liệu: Các bài thể dục kéo giãn cột sống, tập xà đơn, bơi, bài tập cơ lưng nhằm tăng cường, cải thiện sức mạnh của cột sống.
- Sử dụng đai lưng để giảm áp lực tác động lên đĩa đệm cột sống.
Can thiệp ngoại khoa
Can thiệp ngoại khoa được chỉ định nếu trị liệu nội khoa không có tác dụng hoặc trường hợp bị chèn ép quá nặng (hội chứng đuôi ngựa, liệt chi dưới, hẹp ống sống,…), teo cơ. Căn cứ vào mức độ bệnh trượt đốt sống, u đè ép hoặc thoát vị mà áp dụng biện pháp can thiệp khác nhau (mổ hở, vi phẫu, sóng cao tần hoặc nội soi, làm vững xương sống).
Biện pháp phẫu thuật thường được chỉ định:
- Phẫu thuật cắt nhân đệm: Các bác sĩ sẽ tiến hành cắt đi một phần đĩa đệm nhỏ bị thoát vị làm chèn ép thần kinh. Xem xét áp dụng sau 3 tháng trị liệu không có hiệu quả. Nếu người bệnh có biểu hiện rối loạn về cảm giác và giảm khả năng vận động thì cần tiến hành can thiệp sớm hơn.
- Phẫu thuật cắt bỏ cung sau đốt sống: Kỹ thuật này được tiến hành với bệnh nhân có nguyên nhân gây bệnh là tình trạng hẹp ống sống. Tuy nhiên biện pháp này sẽ làm giảm độ vững của cột sống và bệnh cũng dễ tái phát.
Đối với bệnh nhân trượt đốt sống làm chèn ép thần kinh cần cố định với kỹ thuật làm cứng xương sống và nẹp vít đốt sống.
Trị liệu hỗ trợ
Biện pháp trị liệu gồm có chườm lạnh và chườm nóng:
- Chườm lạnh: Thời gian đầu, bạn có thể lấy một túi lạnh chườm lên vị trí đau vài lần một ngày, mỗi ngày 20 phút. Có thể dùng một túi nước đá bọc trong khăn hoặc miếng vải sạch.
- Chườm nóng: Từ khoảng 2 đến 3 ngày sau khi xuất hiện cơn đau, tiến hành biện pháp nhiệt tại các khu vực bị thương tổn. Dùng túi chườm nóng, đèn nhiệt hay miếng sưởi ở mức thấp nhất. Nếu tình trạng đau vẫn diễn ra, bệnh nhân có thể thử áp dụng kết hợp chườm lạnh và chườm nóng.
Phương pháp trị liệu khác
Những biện pháp thay thế có thể áp dụng với trường hợp đau thắt lưng đó là:
- Châm cứu: Một số kết quả nghiên cứu cho thấy biện pháp này có thể giảm đau lưng, nhưng trong nhiều trường hợp khác lại không thấy lợi ích gì.
- Nắn chỉnh khớp xương: Kỹ thuật nắn chỉnh được tiến hành với mục đích khôi phục lại chuyển động bình thường cho cột sống, giảm đau và lấy lại khả năng vận động cho người bệnh.
Trên đây là một số thông tin cơ bản cần biết về bệnh đau thần kinh tọa mà chúng tôi muốn gửi tới độc giả. Đây là bệnh lý khá nguy hiểm nên bạn không nên chủ quan mà hãy tới gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào nhé.