Đau nhức xương khớp là một triệu chứng điển hình khi cơ thể bước vào quá trình lão hóa. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác. Quá trình điều trị sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn nếu người bệnh hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh. Do đó, bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu về tình trạng đau nhức xương khớp.
Đau nhức xương khớp là gì?
Đau nhức xương khớp là tình trạng xương khớp bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng biểu hiện ra bên ngoài bằng các cơn đau từ nhẹ đến dữ dội, gây ra nhiều phiền toái trong công việc và đời sống sinh hoạt của người bệnh.
Theo lý giải từ các chuyên gia, cơ thể người được cấu tạo từ 3 thể khớp. Chúng bao gồm: Khớp động ở tay chân, khớp bất động tại hộp sọ và khớp bán động tại cột sống. Trong 3 thể này, khớp động và khớp bán động thường bị suy yếu theo thời gian và các chấn thương khác nhau.
Do đó, khi chúng không còn đủ sức để chống đỡ cơ thể nên dễ dàng gây ra tình trạng đau nhức xương khớp. Thông thường, khớp ở vai, háng, khuỷu tay, đầu gối, thắt lưng là các vị trí bị tổn thương đầu tiên và nặng nề nhất.
Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chứng đau nhức xương thường gặp ở người có độ tuổi trung niên. Ở giai đoạn này, quá trình lão hóa diễn ra kèm theo các bệnh lý xương nghiêm trọng. Tuy nhiên, xã hội phát triển như hiện nay, việc người trẻ tuổi có dấu hiệu đau nhức xương khớp không còn xa lạ. Để tìm hiểu nguyên nhân gây triệu chứng này, mời bạn đọc theo dõi phần dưới đây.
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp
Hiện tượng đau nhức xương khớp có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả các tác động từ bên ngoài và bên trong. Quá trình điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn nếu người bệnh chưa ý thức được sự nghiêm trọng của nó. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau xương.
Yếu tố tuổi tác
Thời gian chính là nguyên do khiến cơ thể suy yếu. Theo các nghiên cứu, quá trình lão hóa xảy ra ở mọi đối tượng. Khi bước qua tuổi 25, cơ thể bắt đầu có những dấu hiệu thoái hóa đầu tiên, biểu hiện bằng các nếp nhăn, da thiếu độ đàn hồi.
Sau đó, theo thời gian, xương khớp trở nên yếu ớt, dễ gãy do cơ thể không thể tự tổng hợp các dưỡng chất cho xương. Đặc biệt, thiếu chất bôi trơn các khớp khiển các cơn đau xảy ra liên tục.
Như đã nói ở trên, chứng bệnh này thường hướng tới những người từ độ tuổi trung niên. Mặc dù vậy, sự thoái hóa trên cơ thể mỗi người là khác nhau. Do đó, có những trường hợp đau nhức xương khớp dù độ tuổi còn khá trẻ.
Yếu tố tác động bên ngoài
Đặc trưng nghề nghiệp, chấn thương do tai nạn đều có khả năng gây ra hiện tượng đau nhức ở xương. Đặc biệt, nhóm người lao động thường xuyên phải mang vác nặng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn cả. Việc gây áp lực quá lớn khiến tất cả các khớp ở vai, tay, chân và thắt lưng bị suy giảm chức năng, dẫn đến chứng đau nhức và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Bên cạnh đó, những người làm công việc văn phòng, ít đi lại, làm việc với máy tính cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao. Chính việc lười vận động cùng đặc trưng trong nghề nghiệp khiến xương bị tê cứng, mãn tính. Nếu không được điều trị ngay, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Lúc này, quá trình điều trị sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức.
Yếu tố bệnh lý
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, đau nhức xương khớp có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Chình vì vậy, người bệnh không nên chủ quan khi cơ thể có hiện tượng bất thường.
- Bệnh thoái hóa khớp: Thoái hóa khớp được hiểu là các mô sụn bị bào mòn, xơ hóa, mất đi độ đàn hồi. Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, từ 55 tuổi trở lên. Ngoài các cơn đau nhức, khi vận động, người bệnh còn có thể nghe thấy tiếng kêu lục cục ở khớp.
- Bệnh loãng xương: Đây là hiện tượng mật độ xương bị giảm nghiêm trọng khiến xương yếu, giòn, dễ gãy và đau nhức nhiều hơn. Khác với thoái hóa, cơn đau ở bệnh loãng xương thường âm ỉ, dai dẳng, tập trung tại vùng đùi và cột sống.
- Thoát vị đĩa đệm: Thoát vị đĩa đệm là một căn bệnh rất phổ biến. Hiện tượng đĩa đệm phình to, lồi ra khỏi vị trí ban đầu, tác động xấu đến các vùng lân cận. Chính vì vậy mà người bệnh này thường bị đau ở vùng cột sống, đặc biệt là khi xoay người, khom lưng,…
- Bệnh Gout: Gout là căn bệnh mãn tính rất khó điều trị dứt điểm. Căn bệnh này xảy ra do lượng axit uric dư thừa không thể chuyển hóa, lắng đọng tại các khớp. Điều này khiến người bệnh bị đau nhức dữ dội, đặc biệt là ở ngón chân. Nhiều trường hợp nặng, người bệnh không thể đi đứng hoặc phải dùng đến nạng để hỗ trợ.
- Bệnh thấp khớp: Đây là loại tổn thương ở xương có xu hướng mãn tính. Theo lý giải từ các chuyên gia, cơ thể tự tạo ra một loại kháng thể tấn công trực tiếp vào màng bao hoạt dịch khiến các khớp bị sưng tấy và đau nhức triền miên.
Yếu tố khác
Ngoài các nguyên nhân được kể trên, chứng đau nhức xương khớp còn có thể xuất hiện do thừa cần. Đối với những người mắc chứng béo phì, xương khớp phải chống đỡ khối lượng cơ thể quá lớn. Lâu ngày, xương khớp yếu dần gây ra các cơn đau nhức bất kể ngày đêm. Hơn nữa, nhóm người này có khuynh hướng lười vận động nên thoái hóa xương xảy ra sớm hơn người bình thường.
Ngoài ra, thiếu canxi cung cấp cho xương phát triển cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức này. Nghiên cứu cho thấy, khi đến tuổi trung niên, cơ thể cần được cung cấp canxi để đảm bảo mật độ xương và các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, thời tiết hoặc một vài nguyên nhân chủ quan như chơi thể thao quá mức, tập luyện sai tư thế cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ xương.
Triệu chứng đau nhức xương khớp
Đau nhức xương khớp có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Do vậy, để phát hiện và điều trị bệnh nhanh chóng, người bệnh có thể theo dõi các triệu chứng bất thường khi di chuyển. Các vùng xương khớp cần được chú ý là đầu gối, vai và cột sống.
Các cơn đau nhức có thể đi từ nhẹ, âm ỉ đến dữ dội. Người bệnh có thể cảm nhận đau nhức từng cơn hoặc có thể đau triền miên không dứt. Ngoài những cơn đau, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng khác như tê bì, sưng tấy, nóng rát, kêu lục cục trong xương. Các bác sĩ đã chia chứng bệnh này làm hai giai đoạn như sau:
- Giai đoạn cấp tính: Ở giai đoạn này, đau nhức xương xảy ra trong thời gian ngắn và có thể chấm dứt nhanh chóng nếu được điều trị đúng cách. Thông thường, những người bị chấn thương nhẹ, ngồi sai tư thế,… bị đau xương cấp tính.
- Giai đoạn mãn tính: Ở giai đoạn này, các triệu chứng diễn ra trong thời gian dài và rất khó để chấm dứt hoàn toàn. Các trường hợp đau nhức xương khớp mãn tính do các bệnh lý, yếu tố chuyển hóa hoặc không được điều trị đúng cách ở giai đoạn nhẹ.
Đau nhức xương khớp có chữa khỏi được không?
Đau nhức xương khớp có chữa khỏi được không là câu hỏi của rất nhiều người bệnh. Như đã đề cập ở phần trước, chứng bệnh này tồn tại ở 2 giai đoạn cấp tính và mãn tính. Đối với người bệnh mới khởi phát từ những yếu tố khách quan như thời tiết, chấn thương nhẹ khi vận động, các cơn đau nhức có thể tự biến mất hoặc can thiệp nhanh chóng.
Mặt khác, đối với người bệnh đau nhức xương do yếu tố bệnh lý hoặc thoái hóa, việc điều trị mất nhiều thời gian và có thể không đạt hiệu quả. Trong nhiều trường hợp, các can thiệp từ y khoa chỉ có thể làm giảm bớt triệu chứng chứ không thể đẩy lùi hoàn toàn. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện kịp thời để được kiểm tra và có hướng điều trị sớm nhất.
Điều trị đau nhức xương khớp
Để điều trị chứng đau nhức xương khớp, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để biết được bệnh đang ở giai đoạn nào, nguyên nhân do đâu. Nhờ đó mà việc chữa bệnh đi đúng hướng, kịp thời và hiệu quả. Người bệnh hãy tham khảo một số biện pháp dưới đây.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Việc sử dụng thuốc Tây y đem lại nhiều tác động tích cực đến hầu hết các bệnh lý, trong đó có chứng đau nhức ở xương khớp. Một số loại thuốc dưới đây có thể được sử dụng để giảm đau và các triệu chứng liên quan.
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, NSAID, Opioids, thuốc giãn cơ,.. là các loại thuốc giúp giảm mạnh các cơn đau xương.
- Thuốc đặc trị: Các loại thuốc đặc trị như thuốc chống thoái hóa xương, điều chỉnh lượng axit uric,… có tác dụng trong việc kiểm soát và kìm hãm sự phát triển của chứng đau nhức xương khớp.
Bên cạnh các công dụng chữa bệnh, thuốc Tây y còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ quan khác nếu bệnh nhân sử dụng quá liều hoặc lạm dụng thuốc. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa để tránh những rủi ro không mong muốn.
Điều trị ngoài da
Nếu bạn bị đau nhức xương khớp do các chấn thương nhẹ, các biện pháp sau đấy có thể giúp các cơn đau biến mất nhanh chóng mà không cần sử dụng thuốc:
- Chườm lạnh: Chườm đá là một cách an toàn và đơn giản để giảm đau nhanh chóng. Với cách này, bạn chỉ cần dùng khăn sạch, bọc vài viên đá lạnh bên trong, đặt vào vùng xương bị đau nhức.
- Sử dụng miếng dán giảm đau: Hiện nay, các miếng dán giảm đau được bày bán rất nhiều tại các hiệu thuốc ở địa phương với nhiều thương hiệu khác nhau. Bạn hãy dán miếng này vào vị trí xương bị đau. Sau vài tiếng hãy đổi miếng dán mới.
Điều trị theo phương pháp dân gian
Đau nhức xương khớp là chứng bệnh có từ lâu. Vì vậy, dân gian đã lưu truyền nhiều bài thuốc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên có lợi cho xương khớp. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng với các trường hợp bệnh nhẹ.
- Sử dụng lá lốt: Bạn cần chuẩn bị lá lốt tươi hoặc khô, sau đó đem sắc lấy nước uống mỗi ngày. Kiên trì sử dụng trong khoảng 2 tuần để thấy bệnh có tiến triển tích cực.
- Sử dụng ngải cứu: Để sử dụng loại thảo dược này, bạn có thể áp dụng theo hai cách sau: Cách thứ nhất là sắc lấy nước uống. Cách thứ hai dùng lá ngải để chườm nóng. Bạn cần sao nóng lá ngải cùng muối, sau đó bọc bằng khăn mỏng và chườm lên vùng bị đau.
Phòng ngừa đau nhức xương khớp
Chứng đau nhức xương khớp ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt và công việc. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên mọi người hãy phòng tránh tình trạng này bằng các biện pháp sau đây.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Do đó, thực hiện chế độ ăn uống khoa học giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng tránh nhiều căn bệnh nguy hiểm. Bạn đọc có thể tham khảo từ các chuyên gia hoặc lưu ý dưới đây:
- Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin D, omega 3, khoảng chất như sữa, trứng, cá hồi,…
- Bổ sung các loại rau củ quả chứa nhiều vitamin C, K như cam, ổi, súp lơ,…
- Hạn chế các loại đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ đóng hộp, thức ăn nhanh,…
- Hạn chế hoặc không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích,…
Chế độ tập luyện
Ngoài ăn uống khoa học, việc thường xuyên tập luyện, thể dục thể thao giúp cơ thể luôn tràn đầy sức sống. Qua đó, hệ miễn dịch được tăng cường, tinh thần sảng khoái. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đi bộ 1 tiếng mỗi ngày. Theo các chuyên gia, đi bộ vào sáng sớm đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể.
Thêm nữa, bộ môn yoga hay các bài tập gym cũng là một sự lựa chọn lý tưởng. Bạn có thể tự tập luyện tại nhà theo các video hướng dẫn hoặc đến phòng tập với các chuyên gia trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, kết hợp các môn thể thao ngoài trời cũng giúp xương khớp được vận động hiệu quả.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về chứng đau nhức xương khớp. Tình trạng này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh lý cho cơ thể. Chính vì vậy, các bạn hãy từ bỏ những thói quen xấu, vận động điều độ để phòng tránh chứng bệnh này. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!