Đau nhức xương khớp sau sinh xảy ra ở một số sản phụ, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy tình trạng này có nguy hiểm hay không? Cách giảm đau ra sao? Hãy cùng tìm hiểu thêm nhé.
Nguyên nhân đau nhức xương khớp sau sinh
Thống kê cho thấy, có khoảng gần 55% phụ nữ sau sinh gặp phải tình trạng đau nhức xương khớp. Đây không phải là con ố nhỏ, vì vậy việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được xem là khá quan trọng. Thông qua nguyên nhân gây bệnh, cách phòng ngừa và phác đồ điều trị sẽ được xây dựng để phù hợp nhất với tình trạng bệnh lý của mỗi sản phụ.
Một số nghiên cứu đã được tiến hành và thấy rằng, có một số nguyên nhân chính dẫn tới việc đau nhức xương ở thai phụ đó là:
Những thay đổi khi mang thai
Trong quá trình mang thai, cơ thể có một số biến đổi, áp lực do túi ối, trọng lượng của em bé dồn cả lên vùng cột sống trong suốt 9 tháng. Điều này khiến cột sống gặp một số tổn thương nhất định. Các tổn thương này có thể kéo dài đến cả sau khi sinh nên sản phụ sẽ gặp các cơn đau nhức âm ỉ, dai dẳng đôi khi là dữ dội.
Nồng độ estrogen trong cơ thể tăng trong khi mang thai dễ gây tắc nghẽn quá trình lưu thông máu và kèm theo đó là cản trở hoạt động của khớp.
Khí huyết tổn thương sau sinh
Sau khi trải qua cuộc sinh nở quan trọng, thường khí huyết cũng gặp những tổn thương, thiếu hụt nhất định. Nếu không kiêng cữ cẩn thận, khi gặp gió, gặp lạnh cũng gây ra ảnh hưởng sức khỏe.
Thiếu hụt canxi, vitamin trong thai kỳ
Bên cạnh đó, khi mang thai, thai nhi cần lượng lớn canxi để hình thành cấu trúc xương. Trong thai kỳ nếu mẹ không bổ sung đủ canxi, vitamin D thì lượng canxi từ cơ thể mẹ sẽ được chuyển sang cho bé. Khi này canxi của mẹ thiếu hụt gây loãng xương, đau nhức khớp. Ở thai phụ trên 30 tuổi tình trạng này phổ biến hơn cả.
Mắc các bệnh xương khớp trước khi mang thai
Một số thai phụ trước khi mang thai đã gặp các bệnh lý về xương khớp như thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa. Sau 9 tháng mang thai tình trạng bệnh khớp thường tiến triển nặng hơn, nên gây ra các cơn đau nhức xương khớp sau sinh.
Một số nguyên nhân hiếm gặp khác là do mẹ mắc bệnh lý phụ khoa, có u chèn ép dây thần kinh, viêm đường tiết niệu cũng có thể gây đau nhức xương.
Các nguyên nhân dẫn tới đau nhức sau sinh khá đa dạng và do nhiều bệnh lý gây ra. Người bệnh không nên chủ quan mà cần thăm khám kịp thời.
Cách giảm đau nhức xương khớp sau sinh
Đau nhức xương khớp sau sinh đôi khi là biểu hiện sinh lý bình thường nhưng cũng có khi là biểu hiện của một vài bệnh lý nguy hiểm. Phòng ngừa, điều trị sớm tình trạng này được xem là cần thiết, hạn chế những biến chứng nguy hiểm, lâu dài cho mẹ.
Một vài cách phòng ngừa đau nhức sau khi sinh bé mẹ có thể tham khảo đó là:
- Kiêng bê vác đồ nặng khoảng 8 – 10 tuần sau sinh, để bảo vệ cơ thể, cho cơ thể có thời gian phục hồi.
- Sau khi sinh, nếu vào mùa đông nên kiêng cữ, tránh gió từ 2 – 3 tuần để khí huyết được phục hồi, tránh bị bệnh khi cơ thể còn yếu.
- Nếu mẹ đã có bệnh về xương khớp trước khi sinh bé, sau khi sinh có thể chườm ấm, chườm nóng, dành thời gian nghỉ ngơi để tránh bệnh thêm nặng.
- Tập các bài thể dục nhẹ nhàng: Để xương khớp được dẻo dai và nhanh chóng phục hồi, sản phụ có thể tập các bài tập có cường độ nhẹ nhàng sau khi sinh khoảng 1 tháng. Có thể lựa chọn yoga, bài tập thiền để giúp cơ thể linh hoạt hơn. Bên cạnh đó các bài tập này còn giúp mẹ nhanh chóng lấy lại được vóc dáng sau sinh.
- Chú ý tư thế bế con: Khi bế con hay cho con bú, nên kê một cái gối nhỏ đỡ lưng để tránh mỏi, đau lưng. Hạn chế cho con nằm bú. Tư thế này không chỉ khiến bé dễ bị sặc sữa mà còn khiến vùng lưng, cánh tay của mẹ dễ đau mỏi.
- Massage rượu gừng: Khi các cơn đau nhức kéo dài, mẹ có thể dùng rượu gừng để xoa bóp lên vị trí bị đau. Rượu gừng có tính ấm, không chỉ giúp kéo giãn cơ bắp, giảm đau mà còn giúp mẹ đỡ bị cảm lạnh, tăng sức đề kháng sau sinh.
Sau khi sinh từ 8 – 12 tuần, nếu tình trạng đau nhức xương không thuyên giảm. mẹ nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, xác định các nguyên nhân. Thông thường nếu do nguyên nhân sinh lý, các cơn đau nhức sẽ nhanh chóng biến mất khi sản phụ có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Trong trường hợp tình trạng này kéo dài lâu, có thể bạn đã mắc bệnh lý nào đó gây ra đau nhức xương khớp. Việc khám sẽ giúp tìm ra nguyên nhân, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp.
Đau nhức xương khớp sau sinh là tình trạng phổ biến thường gặp. Qua nội dung bài viết, chắc hẳn bạn đọc đã có thêm những hiểu biết nhất định xoay quanh vấn đề này. Chúc mẹ sẽ sớm đẩy lùi được các cơn đau nhức sau sinh, để có sức khỏe đồng hành cùng bé.