Đau nhức xương khớp ở bà bầu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự thay đổi nội tiết tố, quá trình tăng cân, tâm lý… Do đó, bà bầu cần xác định được nguyên nhân để có phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là những thông tin chi tiết về tình trạng này.
Đau nhức xương khớp ở bà bầu
Đau nhức xương khớp ở bà bầu là một trong những tình trạng thường gặp, xảy ra do sự thay đổi hormone cơ thể trong quá trình mang thai. Tình trạng này ảnh hưởng đến hệ xương khớp khiến bà bầu đối mặt với các cơn đau ở cột sống, lưng… cấp tính.
Những vị trí thường dẫn đến chứng đau nhức xương khớp ở bà bầu là: khớp háng, cột sống, lưng, khớp cùng – chậu, khớp mu, khớp đầu gối… Ngoài ra, một số bà bầu có thể đối mặt với các cơn đau ở cổ tay, ngón chân, ngón tay, gót chân, cánh tay…
Tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai có thể không đáng sợ do nội tiết cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bà bầu có thể mắc các bệnh lý về xương khớp cần được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân đau nhức xương khớp ở bà bầu
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp ở bà bầu như:
- Tăng cân quá nhanh
Nhiều mẹ bầu tăng cân quá nhanh trong quá trình mang thai khiến tăng áp lực lên hệ xương khớp dẫn đến xương khớp có các cơn đau cấp tính.
Ngoài ra, tình trạng đau xương khớp còn nghiêm trọng và ngày càng nặng hơn khi thai nhi phát triển. Lúc này, mẹ bầu thường xuyên đau ở các khớp nâng đỡ cơ thể như: khớp xương chậu, cột sống, khớp háng, đầu gối, khớp cổ chân, bàn chân…
- Rối loạn nội tiết tố
Hormone Relaxin tăng lên trong thời kỳ mang thai là nguyên nhân khiến bà bầu bị đau nhức xương khớp. Bởi hormone này có thể gây giãn mạch khiến các khớp xương không ổn định, bị nới lỏng gây mỏi và dẫn đến đau nhức.
- Lười vận động, vận động ít
Những phụ nữ lười vận động trong thai kỳ khiến xương khớp co cứng, mạch máu cũng như các dây thần kinh bị chèn ép làm giảm lưu lượng máu về các khớp xương, tăng nguy cơ đau nhức xương khớp.
- Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng
Trong trường hợp mẹ bầu ăn uống thiếu chất như thiếu canxi sẽ khiến lượng canxi trong cơ thể mẹ vận chuyển đến thai nhi và xương khớp của mẹ dễ bị tổn thương, đau nhức.
- Căng thẳng thường xuyên
Khi mang thai, nhiều phụ nữ rơi vào tâm trạng không ổn định, căng thẳng, dễ cáu gắt khó chịu… Điều này ảnh hưởng đến quá trình cơ thể trao đổi chất, giảm hấp thu chất dinh dưỡng và gây nên những cơn đau nhức xương khớp.
- Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học
Các thói quen sinh hoạt thiếu khoa học trong thời kỳ mang thai là nguyên nhân dẫn đến cơn đau xương khớp như: làm việc gắng sức, đi nhiều, đi giày cao gót, ngủ không đủ giấc, giờ giấc sinh hoạt không điều độ…
- Bệnh xương khớp
Trong một số trường hợp, tình trạng đau nhức người ở phụ nữ mang thai có thể do mắc các bệnh lý xương khớp. Điển hình là các bệnh thoái hóa khớp, chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, loãng xương… Thai phụ mắc các bệnh lý về xương khớp cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị phù hợp nhất, tránh dị tật ở thai nhi.
Triệu chứng đau nhức xương khớp ở bà bầu
Tình trạng đau nhức xương khớp ở bà bầu thường thể hiện bằng các triệu chứng dưới đây:
- Cơ thể khó chịu, nặng nề, đau nhức toàn thân.
- Các cơn đau tăng mạnh ở khớp mu, khớp háng, cột sống, khớp đầu gối, khớp cùng – chậu…
- Cơn đau có thể tăng mạnh ở một vị trí hoặc lan ra nhiều vị trí khác nhau.
- Đau nhức kèm theo cứng khớp và tê bì tay chân.
- Các cơn đau nhức giảm nhẹ khi mẹ bầu nghỉ ngơi và tăng hơn khi đi lại nhiều hoặc vận động.
- Ảnh hưởng đến dáng đi, giấc ngủ và tâm trạng của mẹ bầu.
Cách giảm đau nhức xương khớp ở bà bầu
Để giảm cảm giác đau nhức xương khớp, bà bầu có thể áp dụng các phương pháp sau:
Chườm ấm giảm đau
Chườm ấm giúp hỗ trợ bà bầu thư giãn xương khớp đồng thời giảm áp lực lên dây thần kinh và cải thiện máu lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, chườm ấm cũng hỗ trợ giảm căng thẳng, đau cứng cơ và tăng sự thoải mái ở bà bầu.
Bà bầu có thể sử dụng khăn ấm, túi chườm, chai nước thủy tinh để chườm trực tiếp lên vị trí xương khớp bị đau. Lưu ý, bà bầu không nên chườm nóng lên bụng có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển thai nhi.
Nghỉ ngơi thư giãn
Việc nghỉ ngơi giúp thai phụ phòng ngừa cũng như giảm các triệu chứng đau nhức xương khớp hiệu quả. Bởi lúc này, mạch máu và hệ xương khớp sẽ được thư giãn, giúp lưu thông máu tốt hơn,.
Do đó, mẹ bầu nên nghỉ ngơi, nằm nghiêng sang bên không bị đau nhức hoặc ngồi thả lỏng các chi. Đồng thời, quá trình nghỉ ngơi nên chú ý thư giãn đầu óc để tạo cảm giác dễ chịu nhất. Ngoài ra, mẹ bầu không nên nằm quá lâu trên 10 tiếng mà nên vận động nhẹ nhàng để phòng ngừa vấn đề xương khớp.
Xoa bóp ở các vị trí đau
Việc xoa bóp rất tốt cho bà bầu bị đau nhức xương khớp. Bởi khi xoa bóp sẽ giúp tăng lưu thông khí huyết, thư giãn mạch máu từ đó giúp giảm tê bì cũng như cải thiện các vấn đề xương khớp ở bà bầu.
Ngoài ra, xoa bóp còn giúp đả thông kinh mạch, giảm căng cứng khớp và cải thiện khả năng vận động ở bà bầu. Mẹ bầu lưu ý không nên thực hiện xoa bóp vùng bụng, không tốt cho thai nhi.
Áp dụng phương pháp vật lý trị liệu
Tùy vào tình trạng đau nhức xương khớp, bà bầu có thể được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu như điều chỉnh tư thế, giãn cơ, kéo giãn cột sống, cải thiện phạm vi chuyển động… Để đảm bảo an toàn, các bài tập vật lý trị liệu nên thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Ăn uống đủ chất và duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh
Chế độ ăn uống đủ chất rất quan trọng với phụ nữ mang thai. Do đó, trong suốt thời kỳ mang thai, bà bầu nên tăng cường dưỡng chất tốt cho cả mẹ và bé trong đó có vitamin D, canxi. Một số thực phẩm nên tăng cường bổ sung là: hải sản, sữa, sữa chua, phô mai, các loại hạt, hạnh nhân, rau lá xanh sẫm…
Ngoài ra, mẹ bầu cần chú ý chế độ sinh hoạt, tập luyện nhẹ nhàng, uống đủ nước để tốt cho sức khỏe.
Đau nhức xương khớp ở bà bầu là tình trạng không quá lo ngại. Tuy nhiên, để giảm những bất tiện trong cuộc sống và cảm giác khó chịu khi mang thai, mẹ bầu nên chú ý các phương pháp hạn chế trên.