Đau lưng là triệu chứng phổ biến và cũng là dấu hiệu thường thấy của nhiều căn bệnh. Làm thế nào để biết được chính xác nguyên nhân gây bệnh dẫn tới triệu chứng này? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn đọc câu trả lời chính xác, đầy đủ nhất.
Đau lưng là gì?
Không quá khi nói rằng 10 người thì có tới 9 người đã từng trải qua cảm giác đau lưng. Hầu hết tất cả chúng ta cũng đã từng trải qua cảm giác này, vậy nhưng bạn có bao giờ tự hỏi đau lưng thực chất được mô tả, định nghĩa như thế nào?
Đau lưng là cụm từ dùng để chỉ tình trạng khi bạn cảm thấy cơ thể xuất hiện các cơn đau buốt, gây nhức tại vùng cột sống, hay gặp nhất là tại vùng thắt lưng. Có thể thấy, triệu chứng này hay gặp ở những người sau độ tuổi trưởng thành, nghĩa là sau giai đoạn 18 tuổi.
Các cơn đau có thể tự hết sau một vài giờ, một vài ngày. Tuy nhiên cũng có những cơn đau kéo dài tới 2 – 3 tháng, vì vậy không phải lúc nào đau lưng cũng vô hại và đơn giản như nhiều người vẫn đang lầm tưởng. Việc hiểu rõ đau lưng là gì sẽ giúp bạn có thể góc nhìn đa chiều hơn về căn bệnh tưởng chừng như phổ biến, không nguy hiểm này.
Nguyên nhân dẫn tới đau lưng
Theo thống kê, có nhiều nguyên nhân dẫn tới căn bệnh đau lưng như ngồi sai tư thế, bê vác nặng, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, nhiễm khuẩn…. Trong đó, có thể điểm lại một số nguyên nhân chính như:
Thoái hóa cột sống theo tuổi tác
Theo độ tuổi, người càng lớn tuổi thì nguy cơ thoái hóa cột sống càng cao do xương khớp yếu kèm theo việc loãng xương. Lúc này việc gánh vác trọng lượng cơ thể trở nên khó khăn hơn. Lâu dài dẫn tới xương khớp, xương cột sống bị tổn thương, sau đó là thoái hóa các đốt sống lưng, thoái hóa tại vùng cột sống gây chèn ép rễ thần kinh. Mà đây là những nguyên nhân chính dẫn tới triệu chứng đau lưng.
Do công việc
Với những người thường xuyên phải bê vác nặng hay nhân viên văn phòng, phải ngồi nhiều trong thời gian dài cũng dẫn tới đau lưng. Các cơn đau này thường sẽ thuyên giảm khi người bệnh hạn chế bê vác nặng, thay đổi tư thế ngồi và có chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Tuy nhiên với nhân viên văn phòng, các cơn đau thường nhẹ hơn do chủ yếu là sai tư thế ngồi, dẫn tới cong, vẹo cột sống. Còn với những người bê vác quá nặng thì nguy cơ chấn thương tại vùng lưng khá cao, làm các cơn đau nặng hơn và khó chữa trị hơn.
Do một số bệnh lý
Đau lưng được xem là triệu chứng điển hình cho một số bệnh lý như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau cơ xơ hóa, viêm cột sống, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng gây sốt, ớn lạnh toàn thân….
Để xác định được rõ nguyên nhân cũng như bệnh lý dẫn tới triệu chứng này người bệnh cần thăm khám kịp thời để có phương án điều trị phù hợp. Tránh để tình trạng đau lưng kéo dài dài vì các bệnh lý xương khớp đều không nguy hiểm nhưng khi bệnh nặng lại đòi hỏi thời gian chữa bệnh lâu dài, chưa kể tới các cơn đau này có tần suất dày đặc, gây ra những phiền toái, mệt mỏi cho người bệnh. Vì vậy để bệnh sớm được chữa khỏi, thời gian điều trị ngắn thì cần thăm khám ngay khi các cơn đau lưng kéo dài hơn 7 – 10 ngày.
Triệu chứng đau lưng
Dù bạn ở độ tuổi nào thì chắc hẳn cũng đã từng trải qua cảm giác đau nhức tại vùng lưng. Đôi khi chỉ là những cơn đau cấp tính, sẽ thuyên giảm và biến mất khi bạn ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên cũng có những cơn đau kéo dài lâu ngày, mang tới nhiều sự phiền toái. Vậy khi nào cơn đau vùng lưng là nguy hiểm và cần lưu tâm? Khi đau lưng kèm theo một số triệu chứng dưới đây, hãy lưu ý:
- Khớp tại vùng dưới thắt lưng bị co cứng và kèm theo đau âm ỉ.
- Các cơn đau lưng kéo dài lâu ngày, có hiện tượng lan rộng xuống hông, đùi, chân, bàn chân.
- Đau lưng kèm tê bì tay chân và ngứa bàn chân.
- Khó khăn khi di chuyển, nằm, đi bộ. Các cơn đau có xu hướng tăng khi làm việc nặng.
- Sốt, ớn lạnh và buồn nôn.
- Các cơn đau lan ra cả vùng bụng dưới.
- Bí tiểu, tiểu tiện không tự chủ.
Thông thường nếu các cơn đau lưng xuất hiện do chấn thương khi lao động, bê vác nặng thường sẽ thuyên giảm khi người bệnh hạn chế bê vác, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên nếu các cơn đau kèm theo hiện tượng tê bì chân tay, không thuyên giảm sau thời gian dài thì phần lớn đây là triệu chứng báo hiệu cho bệnh thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đốt sống lưng.
Nếu đau lưng kèm theo sốt, lạnh và buồn nôn thì bạn cần tới bệnh viện thăm khám, làm xét nghiệm vì đây là những dấu hiệu lâm sàng cho căn bệnh nhiễm khuẩn.
Chẩn đoán đau lưng
Khi tiến hành thăm khám, việc chẩn đoán đau lưng được xác định thông qua thăm khám lâm sàng, chụp X- quang và xét nghiệm.
Một số chẩn đoán lâm sàng phổ biến đó là:
Đau lưng do cơ học
Các cơn đau xuất hiện sau khi bê vác nặng, ngồi sai tư thế trong thời gian dài hay do cử động sai tư thế một cách đột ngột. Các cơn đau này sẽ thấy rõ hơn khi bác sĩ ấn ngón tay dọc theo cột sống người bệnh cảm nhận được điểm đau. Các cơn đau này thường là đau cấp tính, dễ chữa trị, không nguy hiểm.
Đau do thoái hóa, thoát vị
Đau lưng được xem là triệu chứng thường thấy nhất của các căn bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm tại phần cột sống. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để xác định bệnh thông qua các câu hỏi, biểu hiện như: bệnh nhân bị tê bì tay chân, đau lan xuống chân, hông.
Chẩn đoán qua xét nghiệm, hình ảnh
Các chẩn đoán chính là chụp X quang để xác định vị trí thoái hóa, xác định tổn thương tại cột sống, đĩa đệm khi bác sĩ chuyên khoa nghi ngờ người bệnh bị thoái hóa, tổn thương tại vùng cột sống…. Người bệnh sẽ được tiến hành xét nghiệm khi sốt, lạnh đột ngột, nhằm mục đích để xác định bệnh nhân có bị nhiễm khuẩn, thậm chí có người bệnh còn bị phình tắc động mạch chủ cũng gây ra hiện tượng đau lưng. Vì vậy xét nghiệm là việc làm cần thiết, tuy nhiên tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng mà bác sĩ sẽ chỉ định cho từng người bệnh.
Cách điều trị bệnh đau lưng
Khi điều trị đau lưng sẽ thường dựa trên các nguyên tắc chính đó là: Điều trị theo nguyên nhân, điều trị dùng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
Các dòng thuốc được sử dụng là chống viêm, giảm đau, giãn cơ để nhanh chóng làm giảm các cơn đau cho người bệnh trong thời gian ngắn. Nguyên nhân dẫn tới các cơn đau lưng sẽ quyết định phương pháp điều trị cũng như thời gian điều trị dài hay ngắn.
- Nếu các cơn đau do nguyên nhân cơ học gây ra (ngồi sai tư thế, bê vác nặng….) người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc giãn cơ, giảm đau kèm theo nghỉ ngơi một thời gian ngắn từ 7 – 10 ngày, trong thời gian này tuyệt đối không bê vác nặng. Bên cạnh đó là điều chỉnh tư thế ngồi phù hợp để tránh cong, vẹo cột sống, giảm các cơn đau. Khi các cơn đau thuyên giảm hoặc khỏi hoàn toàn, người bệnh cần có tư thế ngồi làm việc đúng, hạn chế khuân vác nặng để đề phòng bệnh tái phát.
- Nếu các cơn đau do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm gây ra: Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh được chỉ định dùng thuốc và kết hợp tập vật lý trị liệu để có thể giúp phục hồi phần đốt sống bị thoái hóa. Người bệnh bị thoát vị đĩa đệm thường được tư vấn đeo đai lưng để giữ thẳng lưng, có tư thế đi, ngồi, hoạt động đúng, tránh gây áp lực lên phần cột sống, đĩa đệm đã bị tổn thương. Việc tập vật lý trị liệu cần diễn ra đều đặn và kiên trì thực hiện trong thời gian dài mới có thể mang tới hiệu quả. Ngoài ra, có thể kết hợp thêm trị liệu bằng đông y như châm cứu để làm giảm các cơn đau một cách hiệu quả.
Ngoài sử dụng thuốc tây y, người bệnh bị đau lưng nhẹ, có thể tham khảo: 5 cách trị đau lưng tại nhà an toàn, hiệu quả
Khi người bệnh bị thoái hóa nặng hay đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm dẫn tới tần suất đau nhiều, người bệnh gặp khó khăn khi cử động, di chuyển. Lúc này sẽ được chỉ định chữa trị bằng phẫu thuật ngoại khoa. Hầu hết, phẫu thuật ngoại khoa ít khi được sử dụng.
Cách phòng tránh đau lưng
Đau lưng mang tới cho người bệnh những bất tiện nhất định trong sinh hoạt cũng như sự đau đớn, không thoải mái trong thời gian dài. Vì vậy việc phòng tránh đau lưng là hoàn toàn cần thiết. Một số điều bạn cần chú ý khi phòng tránh căn bệnh này đó là:
Đúng tư thế đứng, ngồi
Đứng: Khi đứng phải thẳng lưng, không gù hay quá ngửa lưng ra sau, đảm bảo độ cong của cột sống được giữ đúng. Trọng lượng cơ thể được dồn đều tới hai chân, hạn chế áp lực lên phần cột sống. Không nên đi giày cao gót trong thời gian dài vì lúc này trọng lượng cơ thể sẽ dồn cả lên phần cột sống.
Ngồi: Lựa chọn ghế ngồi có chiều cao phù hợp để hai bàn chân có thể chạm vào nền nhà, phần khớp gối, khớp cổ chân được đặt vuông góc, thẳng lưng. Động tác ngồi này nhằm mục đích dàn đều trọng lượng cơ thể lên mông và hai chân, giảm bớt áp lực cho phần cột sống.
Bê vác đồ vật đúng tư thế
Bê đồ vật nặng là việc làm phổ biến, khó có thể hạn chế, đặc biệt là đối với những người làm nghề giao hàng hay người vận chuyển hàng hóa. Vì vậy để ngăn ngừa cũng như đề phòng các cơn đau lưng, bạn cần lựa chọn tư thế nâng, bê đồ nặng hợp lý và chính xác. Cụ thể bạn cần chú ý tới tư thế bê đồ khi di chuyển, tư thế nâng đồ từ dưới đất lên và tư thế lấy đồ trên cao.
Khi muốn bê một món đồ nặng từ dưới đất lên bạn cần thực hiện các động tác sau:
- Hai bàn chân bước rộng bằng vai hoặc rộng hơn một chút để tạo một điểm tựa vững chắc.
- Từ từ ngồi xổm xuống, khớp gối, khớp háng được gấp lại từ từ, tuyệt đối không gấp phần cột sống.
- Hai tay bê đồ vật vào sát bụng, giữ chặt và đứng dậy.
- Trong quá trình đứng dậy giữ phần cột sống luôn thẳng, độ ưỡn đoạn thắt lưng được duy trì đúng tư thế như bình thường.
Khi cần bê và di chuyển đồ vật đi chỗ khác, bạn cũng cần lưu ý các điểm sau:
- Bê đồ vật ngang trước ngực, bê chắc và đưa sát vào phần ngực.
- Khi đi phải giữ cột sống, thắt lưng luôn thẳng, độ ưỡn vùng thắt lưng duy trì ở trạng thái bình thường. Không quá cúi hay khom lưng để bê đồ.
- Lấy đồ vật ở trên cao: Sử dụng ghế, thang để lấy đồ vật, không cố với hay kiễng chân quá nhiều.
Việc thực hiện đúng các tư thế trên không chỉ giúp phòng ngừa các cơn đau lưng cấp tính gây ra do nguyên nhân cơ học như bê vác, tư thế ngồi không đúng mà còn giúp phòng ngừa việc thoái hóa các đốt sống hay thoát vị đĩa đệm.
Duy trì cân nặng ổn định
Ngoài ra cần duy trì cân nặng ổn định, nghiên cứu cho thấy người bị béo phì thường có nguy cơ thoái hóa, tổn thương vùng cột sống cao hơn so với người có cân nặng hợp lý. Nguyên nhân là do cơ thể nặng nề khiến cột sống phải gánh trọng lượng quá lớn, lâu ngày dẫn tới tổn thương xương khớp, cong vẹo cột sống.
Luyện tập thể dục thể thao đều đặn
Tuy nhiên theo tuổi tác phần xương khớp của cơ thể và đặc biệt là phần cột sống sẽ yếu dần, dễ bị thoái hóa. Từ đó cũng dẫn tới các cơn đau tại vùng lưng. Để hạn chế và làm chậm quá trình thoái hóa này, bạn có thể thường xuyên tập thể dục, lựa chọn các bài tập phù hợp với độ tuổi, nên tập các bài tập nhẹ như yoga, tập thiền…giúp dẻo dai xương khớp. Không nên tập các bài tập có cường độ lớn, sẽ gây phản tác dụng, làm xương khớp dễ chấn thương.
Bài viết đã giới thiệu tới bạn đọc nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa trị cũng như cách đề phòng các cơn đau lưng một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Hi vọng bạn đọc đã có thêm cho mình những thông tin bổ ích xoay quanh vấn đề này. Chúc bạn sẽ luôn giữ được cho mình một vùng lưng khỏe mạnh, không có cơn đau.