Đau dạ dày khi mang thai là một trong những chứng bệnh phổ biến của mẹ bầu. Tuy nhiên thực tế, chứng bệnh này có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách. Do đó, mẹ bầu cần có những kiến thức về tình trạng này để xử lý kịp thời.
Đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu
Đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu là một triệu chứng khá phổ biến và thường gặp ở nhiều mẹ bầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, dạ dày của mẹ bầu phải chịu áp lực lớn do tình trạng nôn nhiều.
Ngoài ra, lúc này tử cung bắt đầu to lên sẽ khiến vị trí dạ dày thay đổi. Điều này khiến thức ăn xuống dạ dày dễ bị ứ đọng, dẫn đến khó tiêu cũng như tác động tiêu cực đến niêm mạc dạ dày.
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ sản sinh nhiều hormone progesterone có khả năng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và làm tăng nguy cơ đau dạ dày, tiêu chảy, đầy bụng ở phụ nữ.
Các triệu chứng nhận biết đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu thường bị nhầm lẫn với biểu hiện của nghén. Thế nhưng mẹ có thể phân biệt bằng cách chú ý các dấu hiệu của cơ thể. Nếu như chỉ bị ốm nghén thì mẹ bầu sẽ không có các biểu hiện như ợ chua, đau râm ran bụng, nóng rát thượng vị hay trào ngược. Những triệu chứng này thường có ở người bị đau dạ dày.
Đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối
Nguyên nhân chính của việc đau dạ dày 3 tháng cuối là:
- Những tháng cuối phần tử cung to dần lên dẫn đến chèn ép vào vị trí của dạ dày làm ảnh hưởng đến ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Điều này khiến mẹ bầu gặp tình trạng đầy hơi, thức ăn ứ đọng dẫn đến đau dạ dày.
- Ở 3 tháng cuối, nội tiết tố trong cơ thể khi mang thai dễ bị rối loạn đồng thời lượng dịch vị tiết ra nhiều khiến hệ tiêu hóa làm việc kém hiệu quả hơn, tăng nguy cơ đau dạ dày.
- Ngoài ra, một số mẹ bầu bổ sung nhiều tinh bột, sữa, đường trong thời kỳ 3 tháng cuối dẫn đến hệ tiêu hóa làm việc căng thẳng hơn, gây ra các cơn đau dạ dày.
- Do nhiễm khuẩn HP
Đau dạ dày khi mang thai có nguy hiểm không?
Tình trạng đau dạ dày khi mang thai có nguy hiểm không phụ thuộc vào thời điểm cũng như các triệu chứng mà người bệnh mắc phải.
Trường hợp đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu
Đau dạ dày khi mang thai ở thời điểm 3 tháng đầu thai kỳ không phải là vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó có thể là dấu hiệu của hiện tượng sảy thai, hiện tượng này thường xuất hiện trước tuần thứ 12 của thai kỳ. Do đó, bà bầu khi mang thai không nên chủ quan với các triệu chứng đau quặn bụng kèm theo các vấn đề như:
- Đau thắt mạnh và dấu hiệu chuột rút ở bụng
- Đau mạnh phần lưng hoặc gặp chuột rút
- Âm đạo có chất lỏng xuất hiện, đôi khi là máu tươi.
Trường hợp đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối
Tình trạng đau dạ dày khi mang thai 3 tháng cuối thường do sự phát triển kích thước của thai nhi. Do đó, mẹ bầu không cần quá lo lắng về vấn đề này. Mẹ bầu nên thường xuyên thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh tốt nhất.
Mặc dù không nguy hiểm nhưng đau dạ dày vào thời điểm này có thể khiến mẹ chán ăn, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của mẹ bầu và thai nhi. Ngoài ra, tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như cân nặng của thai nhi.
Trường hợp mẹ bầu bị nhiễm khuẩn HP thì cần được điều trị ngay nếu không có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng như: Sảy thai, tiền sản giật, rối loạn tiêu hóa, thai nhi chậm phát triển, giảm chức năng nhau thai…
Bà bầu bị đau dạ dày phải làm sao?
Mẹ bầu bị đau dạ dày nên đi thăm khám ở các chuyên khoa sản khoa và lắng nghe lời khuyên của bác sĩ về phương pháp điều trị phù hợp. Bởi khi mang thai, mẹ sẽ không được chỉ định sử dụng kháng sinh hay thuốc giảm đau như thông thường vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Thay vào đó, mẹ bầu nên chú ý thiết lập chế độ sinh hoạt, ăn uống cũng như nghỉ ngơi khoa học để giảm tiến triển nặng tình trạng bệnh cũng như kiểm soát bệnh tốt hơn.
Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp
Mẹ bầu nên chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì dồn vào 3 bữa lớn. Đồng thời, nên chú ý hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường và muối để tránh gây áp lực lên dạ dày.
Ngoài ra, trong quá trình mang thai gặp các cơn đau dạ dày, mẹ bầu nên chọn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như: súp, trứng, sữa, mì, cháo… Bổ sung các loại thực phẩm được luộc hoặc hấp, giảm thực phẩm chiên rán.
Thêm vào đó, mẹ bầu nên tăng cường ăn rau xanh, bổ sung các loại hoa quả cũng như ăn sữa chua để tăng cường hệ miễn dịch cũng như cung cấp nhiều vitamin cho thai nhi.
Mẹ bầu cũng chú ý không để dạ dày rỗng khi mang thai có thể gây gia tăng các cơn đau hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Sau khi ăn, mẹ bầu cũng không nên vận động mạnh hay nằm ngay, dễ dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày.
Chú ý quá trình ăn, mẹ không nên ăn quá no hoặc quá nhanh. Thay vào đó, mẹ bầu nên nhai từ từ, chậm rãi để giúp nước bọt bài tiết nhiều hơn, tăng khả năng tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Chế độ sinh hoạt khoa học kết hợp với tập luyện nhẹ nhàng
Chế độ sinh hoạt cũng rất quan trọng với phụ nữ mang thai bị đau dạ dày. Mẹ bầu cần tuyệt đối không thức khuya, suy nghĩ nhiều, căng thẳng có thể làm các cơn đau dạ dày tăng mạnh hơn. Thay vào đó, mẹ bầu nên nghỉ ngơi, thư giãn để tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, mẹ bầu nên tập luyện thiền, đi bộ, yoga hay bơi lội để tăng cường sức khỏe cũng như giúp tâm trạng thoải mái hơn. Chú ý ngủ đủ giấc, tránh mang vác vật nặng trong suốt quá trình mang thai.
Lỡ uống thuốc đau dạ dày khi mang thai có sao không?
Đau dạ dày khi mang thai có thể giảm dần triệu chứng khi thai phụ chú ý đến thói quen sinh hoạt và ăn uống. Tuy nhiên, có một số mẹ bầu vì quá “xót ruột” đã lựa chọn uống thuốc giảm đau. Đây là một việc không nên làm khi không có lời khuyên của bác sĩ.
Bởi trên thực tế, các loại thuốc trị đau dạ dày có một số loại thuốc an toàn và một số thuốc khác thì không. Do đó, chúng có thể gây ra những tác dụng phụ ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe mẹ bầu. Với việc điều trị đau dạ dày bằng thuốc, cần hỏi bác sĩ về sự an toàn để dùng trong khi mang thai hay không.
Trên đây là những lưu ý về đau dạ dày khi mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thường gặp ở thai phụ. Đây là hiện tượng không nên xem thường, do đó, phụ nữ cần chú ý để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.