Hiện nay, tình trạng cong vẹo cột sống rất hay gặp ở lứa tuổi chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì. Chúng tạo ra các cơn đau nhức, thay đổi dáng người và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người bệnh. Tìm hiểu nguyên nhân và các triệu chứng là việc làm vô cùng cần thiết để phát hiện bệnh sớm và có phương án phòng tránh, chữa trị kịp thời.
Cong vẹo cột sống là gì?
Cong vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị thay đổi hình dạng một cách bất thường so với ban đầu. Có những trường hợp bị cong sang bên trái hoặc bên phải khiến cho cột sống có hình như chữ “C” hoặc hình chữ “S”. Điều này khiến cho cột sống bị yếu đi, lượng máu khó lưu thông và hệ thống dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó mà người bị vẹo cột sống thường có dáng đi lệch lạc, thường xuyên đau nhức vùng cột sống và cảm thấy tự ti với ngoại hình.
Một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, tỷ lệ mắc chứng vẹo cột sống đang có xu hướng gia tăng ở đối tượng vị thành niên. Nếu được phát hiện sớm, đồng thời kết hợp với các bài tập hỗ trợ kéo dãn và điều chỉnh cột sống thì bệnh có thể được cải thiện khá nhanh. Nhưng nếu để tình trạng này kéo dài mà không được quan tâm và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới các biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Các dạng cong vẹo cột sống
Trong Y khoa, cong vẹo cột sống được chia thành 4 dạng khác nhau, cụ thể là:
- Vẹo cột sống dạng bẩm sinh: Tình trạng này xuất hiện từ khi em bé vẫn nằm trong bào thai và đang trong giai đoạn hình thành cột sống. Do sự phát triển bất thường từ các đốt sống tạo nên hình dạng cột sống bị cong vẹo.
- Vẹo cột sống dạng vô căn: Có rất nhiều trường hợp cong vẹo cột sống mà không thể tìm được nguyên nhân, đây cũng là dạng phổ biến nhất hiện nay. Chúng chủ yếu xảy ra ở các độ tuổi từ 0 cho tới 18 tuổi. Trong đó, lứa tuổi vị thành niên từ khoảng 4 đến 10 tuổi chiếm tỷ lệ mắc bệnh cao nhất.
- Vẹo cột sống dạng thần kinh cơ: Một số bệnh lý của hệ thần kinh có thể dẫn tới vẹo cột sống như là: Bại não, loạn dưỡng cơ, bại liệt, chấn thương tủy sống…. Chúng làm tổn thương hệ cơ, từ đó gây ảnh hưởng tới cột sống và dẫn đến tình trạng bị cong vẹo.
- Vẹo cột sống dạng thoái hóa cột sống: Do thời gian hoạt động lâu dài, các đốt sống có thể bị mài mòn và yếu đi. Bởi vậy là người cao tuổi cũng gặp phải tình trạng cong hay vẹo cột sống khá phổ biến.
Nguyên nhân cong vẹo cột sống
Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân gây cong, vẹo cột sống là vô cùng khó khăn và cho đến nay cũng chưa xác định được các nguyên do cụ thể. Chúng được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, trong đó nhóm các yếu tố liên quan bao gồm:
Nhóm vẹo cột sống cấu trúc
Nguyên nhân dẫn tới cong vẹo cột sống cấu trúc thường là do các loại bệnh lý như: Nhiễm trùng, khối u, dị tật bẩm sinh, bại não… gây ra. Chúng khiến đường cong của cột sống bị căng cứng và không để nắn chỉnh lại được.
Nhóm vẹo cột sống phi cấu trúc
Đối với nhóm vẹo cột sống phi cấu trúc thì các chức năng của cột sống vẫn được đảm bảo hoạt động tốt, chỉ có sự khác biệt về hình dáng là hơi cong. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể do quá trình co thắt cơ, hai chân không đều, viêm ruột thừa… Nếu các bệnh lý nêu trên được chữa trị dứt điểm sẽ cải thiện được tình trạng cong của cột sống.
Nhóm vẹo cột sống do rủi ro
Ngoài các nguyên nhân xuất phát từ bên trong cơ thể, cong vẹo cột sống cũng bắt nguồn từ nhiều các rủi ro ở bên ngoài như: Chấn thương, tai nạn, do va đập mạnh, đứng ngồi sai tư thế… Một số trường hợp do sự phát triển mạnh mẽ của giai đoạn dậy thì khiến cột sống bị cong hoặc yếu tố giới tính, di truyền cũng tác động đến việc bị vẹo cột sống ở trẻ em.
Triệu chứng vẹo cột sống
Bạn đọc có thể dựa vào một số triệu chứng sau đây để nhận biết về hiện tượng vẹo cột sống:
- Vai lệch không đều khiến cho việc mặc áo không còn vừa vặn.
- Một bên hông có thể cao hoặc thấp hơn bên còn lại.
- Dáng đi lệch lạc, đi bộ nhiều thấy đau eo, vai, lưng hay hông.
- Cảm thấy khó thở do cột sống bị xoắn làm thu hẹp vùng phổi và ảnh hưởng đến chức năng bơm máu ở tim.
- Căng cơ, đau đớn, thoát vị đĩa đệm.
Hậu quả cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống thường để lại những hậu quả rất nghiêm trọng nếu như không được phát hiện và chữa trị sớm. Chúng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim và phổi do việc thay đổi hình dáng của khung xương gây chèn ép lên 2 bộ phận này. Với đối tượng là trẻ em mắc chứng vẹo cột sống sẽ dễ bị đau lưng sau khi trưởng thành.
Ngoài ra, vẹo cột sống còn làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bệnh, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi. Vì cơ thể thay đổi về ngoại hình như đi bị lệch sang một bên, vai nhấp nhô, thắt lưng không đều gây ra sự chú ý và làm mất tự tin về bản thân.
Cách chữa vẹo cột sống
Sau khi sử dụng các công cụ Y tế để chẩn đoán về tình trạng vẹo cột sống, người bệnh có thể được áp dụng một số cách điều trị như sau:
Sử dụng đai định hình
Với những trường hợp phát hiện sớm thì bác sĩ có thể đề nghị dùng đai định hình để ngăn ngừa tình trạng tăng độ cong ở cột sống. Mỗi ngày nên đeo ít nhất là 16 giờ để đai phát huy hiệu quả.
Uống thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau được dùng nhiều hơn với đối tượng vẹo cột sống ở người lớn. Mục đích sử dụng là để cải thiện cơn đau lưng do cong cột sống gây ra. Tuy nhiên, những người có tiền sử về bệnh gan, thận hay dạ dày sẽ không thích hợp để áp dụng phương pháp này.
Tiêm trực tiếp vào cột sống
Trong trường hợp cơn đau lan nhanh từ lưng xuống chân gây cảm giác tê bì, ngứa, đau đớn do các chân thần kinh quanh cột sống bị chèn ép. Lúc này, bạn có thể được tiêm steroid để giảm đau cho người lớn bị cong vẹo cột sống. Nhưng cách chữa trị này không mang lại hiệu quả lâu dài và cũng để lại nhiều tác dụng phụ khác.
Phẫu thuật cong vẹo cột sống
Nếu tình trạng vẹo cột sống quá nghiêm trọng và không có tiến triển khi áp dụng các biện pháp điều trị trên thì người bệnh sẽ được xem xét để phẫu thuật. Các bác sĩ có thể cắt bỏ một phần xương, đĩa đệm hoặc hợp nhất cột sống để loại bỏ các áp lực lên dây thần kinh, điều chỉnh cột sống thẳng hơn.
Với những trường hợp mới bị cong vẹo cột sống ở thể nhẹ, bác sĩ sẽ tư vấn cách phòng ngừa và kiểm tra định kỳ mà không phải điều trị, vì vậy bạn không cần quá lo lắng. Hãy kết hợp thêm một lịch trình chăm sóc sức khỏe, luyện tập thể thao khoa học để hỗ trợ quá trình chữa bệnh được thuận lợi và hiệu quả hơn.