Chụp X quang phổi là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được thực hiện để phát hiện tổn thương phổi. Thông qua phim chụp, bác sĩ sẽ cho biết hai lá phổi của bạn có thực sự khỏe mạnh hay đang có dấu hiệu bệnh lý nào không. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn đọc hãy dành vài phút theo dõi nội dung chia sẻ dưới đây.
Chụp X quang phổi là gì?
Chụp X quang phổi là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được thực hiện để phát hiện các bệnh lý về phổi. Máy chụp X quang sẽ phát ra tia X có thể xuyên thấu qua ngực để thu lại hình ảnh bên trong lá phổi. Từ hình ảnh này, bác sĩ có thể đưa ra kết luận về tình trạng sức khỏe của bạn liên quan đến hai lá phổi. Nhờ vậy, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng.
X quang phổi bình thường
Kết quả chụp X quang phổi bình thường được đọc theo hai phim chụp. Gồm phim chụp thẳng và phim chụp nghiêng.
- Phim chụp thẳng là chụp theo tư thế thẳng. Bác sĩ có thể quan sát được đầu bên trong của xương sườn đối xứng qua những chiếc gai sau của cột sống lưng, thấy được đường vân của lá phổi cách 1cm so với ngoại vi. Bên cạnh đó bác sĩ cũng nhìn thấy được hình ảnh mờ của cột sống lưng ở sau bóng tim. Hình ảnh được chụp khi người bệnh hít vào, xương bả vai bên phải tách biệt khỏi trường phổi
- Phim chụp phổi nghiêng: Quan sát thấy cung sau của các xương sườn xếp chồng lên nhau. Các cung đồ sườn hoành sau phải rõ ràng
X quang viêm phổi
Trong trường hợp bạn bị viêm phổi sẽ thấy những đám mờ khu trú hoặc rải rác trong nhu mô phổi trên phim chụp. Đám mờ này có thể xuất hiện ở nhiều hình dạng khác nhau. Bên cạnh đó, tùy theo loại viêm phổi ví dụ như: Viêm phổi do virus, do vi khuẩn, do nấm, do nhiễm hóa chất,….mà hình ảnh quan sát được trên tấm phim chụp X quang cũng có những điểm khác nhau nhất định.
Dựa vào các biểu hiện khi thăm khám bệnh ban đầu như: Người bệnh khó thở, ho, mạch đập nhanh, tím tái, tụt huyết áp,…. Cùng với việc xét nghiệm máu cho biết tỷ lệ bạch cầu tăng cao, số lượng đa nhân trung tính cũng tăng cao và kết quả chụp X quang bác sĩ có thể đưa ra kết luận chính xác nhất về tình trạng sức khỏe của bạn.
X quang lao phổi
Bệnh lao phổi được chia thành 4 dạng, hình ảnh X quang lao phổi cũng sẽ có những điểm khác nhau:
- Lao sơ nhiễm: Có hình quả tạo được hình thành bởi ổ sơ nhiễm lao trên phim chụp. Viêm hạch rốn phổi, đường bạch mạch
- Lao phổi thâm nhiễm sớm: Đám mờ trên phim chụp phổi không đồng đều. Không rõ ranh giới, xuất hiện nhiều hơn ở vùng trên phổi
- Lao phổi mạn tính: Xuất hiện hình xơ, hình nốt và hình hang. Có dấu hiệu co kéo xẹp phổi
- Lao kê: Phim chụp phổi có nhiều chấm mờ nhỏ như hình hạt kê. Chúng rải rác khắp ở hai trường phổi
Chụp X quang phổi có hại không?
Chụp X quang bắt buộc phải sử dụng tia X. Loại tia này sẽ gây nên các phản ứng hóa học và hiện tượng ion hóa gây hại cho sức khỏe con người. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh về bước sóng, cường độ và thời gian chụp. Nếu được thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ giỏi thì việc chụp X quang có thể hạn chế được tối đa sự nguy hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, tia X vẫn có thể gây tổn thương chức năng của tế bào, gây tổn thương đến các tác nhân di truyền. Phụ nữ mang thai chụp X quang có thể gây ra những tác động tiêu cực cho sự phát triển của thai nhi, dẫn đến các dị tật bẩm sinh.
Do đó việc chụp X quang phổi chỉ được thực hiện trong trường hợp thật sự cần thiết. Bên cạnh đó bạn cũng cần lựa chọn cho mình địa chỉ y tế uy tín để tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn.
Khoảng cách giữa 2 lần chụp X quang phổi
Thông thường, việc chụp X quang phổi để thăm khám sức khỏe định kỳ thì khoảng cách chụp giữa 2 lần là 6 tháng hoặc 12 tháng. Còn trong trường hợp cần thiết, có thể bệnh nhân cần phải chụp X quang liên tục cách nhau chỉ vài ngày hoặc cách nhau chỉ 1 tuần. Trong mọi trường hợp người bệnh chỉ nên thực hiện chụp X quang khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Chụp X quang phổi giá bao nhiêu?
Theo mức giá quy định của Bộ y tế, giá tiền của 1 lần chụp X quang là khoảng 95.000vnđ. Tuy nhiên giá chụp thực thế sẽ có sự chênh lệch cao hoặc thấp giữa từng cơ sở y tế bạn lựa chọn. Thế nhưng con số chênh lệch là không quá lớn nên mọi người không cần quá lo lắng.
Trên đây là một số thông tin về kỹ thuật chụp X quang phổi và dấu hiệu bệnh lý nếu có. Hy vọng đã đem đến mọi người thêm nhiều kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Chúc bạn đọc nhiều niềm vui!