Ho có đờm là tình trạng xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là vào những thời điểm trời trở lạnh hoặc lúc giao mùa. Bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc điều trị, một số phụ huynh còn truyền tai nhau những mẹo vặt hay cách thông đờm cho trẻ bằng phương pháp dân gian. Tuy nhiên, những cách làm này liệu có thực sự khoa học và hiệu quả hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết sau nhé.
Cách thông đờm cho trẻ bằng lá trầu không

Thông đờm cho trẻ bằng cách đắp lá trầu có thực sự mang lại hiệu quả?
Những ngày gần đây, trên mạng Internet, các bà mẹ đã chia sẻ rầm rộ thông tin về cách thông đờm cho trẻ từ lá trầu không. Cụ thể, khi trẻ bị ho có đờm, các bậc phụ huynh chỉ cần bôi dầu tràm lên ngực trẻ. Sau đó, hơ nóng 2 lá trầu và đắp lên vùng ngực và sau lưng của bé. Chỉ trong thời gian ngắn, nước mũi và đờm của trẻ sẽ tự chảy ròng ròng, đường thở của bé sẽ được thông suốt.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, đây thực chất chỉ là một tin đồn nhảm nhí và hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Đồng thời, cho tới thời điểm này, chưa có bất kì tài liệu, sách vở nào ghi chép về tác dụng thông đờm của lá trầu không. Trong Đông y, lá trầu không chỉ được sử dụng với công dụng chống viêm, giảm đau. Và cách sử dụng chúng chính là đun nóng để xông, rửa các vết thương, hoặc xay nhỏ để uống.
Thêm vào đó, nếu sử dụng lá trầu hơ nóng đắp lên ngực và lưng của trẻ, rất có thể bé sẽ bị bỏng da. Bởi lẽ, với nhiệt độ nóng như vậy, làn da mỏng manh của bé rất dễ bị tổn thương. Đồng thời, việc thoa dầu tràm lên da cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bởi, với làn da nhạy cảm, trẻ không thể chịu được bất cứ loại dầu nóng nào. Mặt khác, trong những ngày chuyển trời, việc cởi áo của bé để đắp lá trầu cũng có thể khiến bé bị nhiễm lạnh, khiến tình trạng ho có đờm ngày càng trầm trọng.
Nên sử dụng lá trầu không như thế nào để thông đờm cho trẻ?
Như vậy, việc đắp lá trầu không để thông đờm cho trẻ là cách làm không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể kết hợp loại thảo dược này cùng với một số nguyên liệu khác để làm thức uống chữa ho có đờm cho trẻ. Ví dụ, sử dụng lá trầu không đã rửa sạch, xay nhuyễn và đem ngâm cùng nước sôi trong 20 phút. Sau đó, chắt lấy nước cốt và đem bỏ thêm một chút mật ong, tạo thành một thức uống cho trẻ nhỏ. Cho bé uống nước này 30 phút sau ăn, mỗi ngày 2 lần, chỉ trong khoảng 1 tuần, tình trạng đờm trong cổ họng của bé sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, bài thuốc này không được áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng có thể thử cách thông đờm cho trẻ bằng hỗn hợp trầu không và gừng, hoặc trầu không và nghệ vàng. Cả hai nhóm nguyên liệu này đều có cách chế biến tương tự như bài thuốc đầu tiên từ mật ong và lá trầu. Tuy nhiên, thường chỉ mất 5 ngày, tình trạng của trẻ đã được cải thiện. Tất nhiên, chúng cũng không được sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Một lưu ý nhỏ khi sử dụng lá trầu không để thông đờm cho trẻ, đó là chống chỉ định với những người mắc bệnh dạ dày. Ngoài ra, khi lựa chọn lá trầu để chữa bệnh, cần lựa chọn các loại lá già, có màu xanh thẫm để thu được lượng tinh dầu nhiều hơn. Đồng thời, trong quá trình chế biến, cần rửa sạch và ngâm lá cùng nước muối để đảm bảo không bị nhiễm khuẩn.
Cách vỗ long đờm cho trẻ hiệu quả
Vỗ rung long đờm là một phương pháp thông đờm cho trẻ nhỏ dựa trên tính chất vật lý của khí, làm thay đổi áp suất trong đường thở của bé để khiến đờm nhớt bị long ra, giúp đường thở của bé trở nên thông thoáng. Trong cách làm này, kỹ thuật viên sẽ sử dụng tay, dụng cụ hoặc kết hợp cả hai để giúp phổi giãn nở tốt hơn, hỗ trợ cơ hô hấp tống đờm nhớt ra ngoài. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong trường hợp chữa trị các bệnh về đường hô hấp như: Nghẹt mũi, viêm phế quản, xẹp phổi, xẹp thùy phổi hay hỗ trợ sau phẫu thuật lồng ngực.

Tùy theo từng thể bệnh, kỹ thuật vỗ long đờm cho trẻ sẽ được thực hiện theo các bước khác nhau. Ví dụ, với trẻ bị viêm hô hấp trên, các bác sĩ chỉ cần thông mũi họng bằng nước muối sinh lý, sau đó kích thích trẻ ho để đẩy đờm ra ngoài. Trong khi đó, với trẻ bị viêm hô hấp dưới, sau khi thông mũi họng, cần phải tăng luồng khí thở ra ở phế quản và kích thích trẻ ho khạc bằng máy hút đờm. Còn với bé bị xẹp phổi, các kỹ thuật này còn phức tạp hơn thế nữa.
Như vậy, vỗ long đờm cho trẻ là một kỹ thuật rất khó và phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn, tay nghề và các dụng cụ chuyên dụng kèm theo. Vì vậy, các bậc cha mẹ không nên tự ý thực hiện cách thông đờm cho trẻ này tại nhà, bởi chúng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, việc chăm sóc, chuẩn bị cho bé trước và sau khi vỗ long đờm theo đúng chỉ dẫn là điều rất cần thiết để hỗ trợ các kỹ thuật viên.
Cụ thể, trước khi thực hiện kỹ thuật này khoảng 2 giờ, bố mẹ nên cho bé nhịn ăn để tránh hiện tượng nôn ói, trào ngược. Đồng thời, phụ huynh cũng có thể phun khí dung cho trẻ trước để làm loãng đờm ra. Sau khi việc vỗ long đờm hoàn thành, ba mẹ nên ôm ấp để bé giảm khóc. Đồng thời, hãy tích cực cho bé uống nước ấm, tránh cho trẻ bú hoặc ăn ngay sau khi thực hiện, bởi bé rất dễ bị hóc hoặc sặc.
Xem thêm:
- Những loại thuốc long đờm tốt nhất hiện nay
- Cách khạc đờm như thế nào là hiệu quả?
Trên đây là một số thông tin liên quan đến các cách thông đờm cho trẻ mà các bạn có thể tham khảo. Hi vọng qua bài viết, các bậc phụ huynh đã có thêm kiến thức hữu ích để chăm sóc cho bé cưng của mình. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!