7 đốt sống cổ là thành phần chính giúp nâng đỡ hộp sọ và giúp con người có thể dễ dàng di chuyển vùng cổ gáy. Bạn đã nắm rõ về cấu tạo của khu vực này hay chưa? Chức năng cũng như các tình trạng thường gặp ở đốt sống cổ là gì? Nếu bạn quan tâm và đang muốn tìm hiểu thêm về chủ đề thú vị này thì đừng bỏ lỡ bài viết sau đây nhé!
Cấu tạo của 7 đốt sống cổ
Đốt sống cổ (tên tiếng Anh: Cervical vertebrae) chính là các đoạn xương tạo nên cột sống cổ – khu vực nằm phía trên cùng của cột sống người. Cột sống cổ gồm có 7 đốt xương chính, được ký hiệu lần lượt là C1, C2, C3, C4, C5, C6 và C7. Kích thước của các đốt xương tăng dần theo chiều từ trên xuống dưới, có nghĩa là đoạn nhỏ nhất là C1 trong khi đoạn lớn nhất là C7.
Cấu trúc của các đốt sống cổ có sự khác biệt đáng kể, tùy thuộc vào vị trí của chúng. Đốt sống C1, hay còn gọi là đốt sống đội, là đốt xương sống duy nhất không có thân, thay vào đó nó khớp trực tiếp với đốt sống C2 tạo thành một mỏm răng (tên tiếng Anh: Odontoid process). Bên cạnh đó, đốt sống cổ C1 nằm ở đây hộp sọ và tạo nên khớp đội – chẩm (tên tiếng Anh: Atlanto – occipital joint).

Đốt sống cổ C2 là đoạn xương dày và vững chắc nhất trong toàn bộ 7 đốt sống cổ. Theo giải phẫu, đốt sống C2 tạo thành một góc trực giao với đốt sống C3 đồng thời một phần của đoạn xương C2 bao phủ lên C3. C2 tạo thành khớp đội – trục (tên tiếng Anh: Atlanto – axial joint), cùng với khớp đội – chẩm đảm nhận vai trò quan trọng đối với các hoạt động vùng đầu, ví dụ như gật đầu.
Các đốt sống C3 đến C6 có kích thước xêm xêm nhau, nhìn qua hình ảnh giải phẫu thì thấy tương đối đều đặn. Chúng có thân đốt nhỏ cùng các cổ cuống (tên tiếng Anh: Pedicles) nằm ở hai bên. Các đốt sống C3 đến C6 cũng có những lỗ đốt sống chạy cắt ngang, đây là nơi mà động mạch cột sống, tĩnh mạch và hạch thần kinh cổ trên chạy qua. Mỗi một đốt sống trong đoạn C3 – C6 sẽ nối với nhau và tạo thành khớp trụ, bên cạnh đó các dây thần kinh sọ não cũng nằm ở phía trên mỗi đốt sống cổ tương ứng. Ví dụ: Dây thần kinh số 5 ứng với đốt sống cổ C5.
Đốt sống cổ số 7 (tên tiếng Anh: Vertebra prominens) có kích thước phần thân lớn nhất trong tất cả các đốt sống cổ với mỏm xương dài và có thể sờ được khi bạn để tay sau gáy. Đốt sống C7 được cấu tạo bên trong một lớp đệm mềm để dây thần kinh số 8 có thể chạy qua dễ dàng hơn. Theo các chuyên gia, lỗ ngang đốt sống C7 thường có kích thước nhỏ, thậm chí ở một số người còn không tồn tại.
Tầm quan trọng của 7 đốt sống cổ
7 đốt sống cổ chịu trách nhiệm cho các hoạt động của cổ và đầu. Các đốt xương này có tính lưu động cao, cho phép những khớp xương dễ dàng uốn công hoặc duỗi thẳng, tạo nên các chuyển động linh hoạt và trơn tru. Ví dụ: Khớp đội – chẩm giúp bạn thực hiện tư thế gật đầu trong khi khớp đội – trục giúp bạn làm động tác lắc đầu.
Các chuyên gia nhận định rằng 7 đốt sống cổ đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể và bạn cần phải thận trọng để tránh gây ra tổn thương cho chúng. Chấn thương đốt sống cổ là một tình trạng hiếm gặp nhưng lại gây ra hậu quả khó lường, ví dụ như tàn tật vĩnh viễn, thậm chí là tử vong. Các vị trí dễ bị tác động bởi ngoại lực nhất là đốt sống cổ C2, C3 và C5, loại chấn thương phổ biến nhất thường là nứt xương hoặc gãy xương.
Một tình trạng tổn thương khác có liên quan đến đốt sống cổ là thoái hóa đốt sống cổ. Nguyên nhân chính gây ra thoái hóa là do sự hao mòn và già đi của cơ thể, bạn không thể ngăn chặn được tình trạng này mà chỉ có thể khiến nó diễn ra chậm hơn. Từ thoái hóa xương khớp còn có thể hình thành nên một số vấn đề khác, ví dụ như hẹp ống sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm,… Tất cả những vấn đề này đều gây ra tác động tiêu cực đến cấu trúc đốt sống cổ và khiến bạn hoạt động khó khăn hơn.
Việc chẩn đoán những tình trạng kể trên phải được thực hiện thông qua các xét nghiệm hình ảnh, ví dụ như chụp X – quang, MRI cộng hưởng từ, chụp CT,… Những loại kiểm tra này giúp các bác sĩ tìm ra chính xác nguyên nhân của cơn đau dai dẳng vùng cổ gáy cũng như nhận đức mức độ tổn thương của 7 đốt sống cổ. Các nguồn thông tin hình ảnh này cũng trở thành tài liệu quan trọng để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng ca bệnh.
Để phòng tránh các tình trạng tổn thương đốt sống cổ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Nhớ thắt đai an toàn trong khi lái xe hoặc ngồi trên xe ô tô.
- Không sử dụng máy tính, điện thoại hay các thiết bị điện tử trong thời gian dài.
- Không nên ngủ mà không sử dụng gối đầu, hạn chế nằm sấp hoặc nằm nghiêng khiến cổ bị nghẹo.
- Tích cực luyện tập thể thao, đặc biệt là sau khi học tập, làm việc trong thời gian dài.
Xem thêm:
- Nguyên nhân bị trẹo cổ và cách chữa hiệu quả
- Mỏi cổ là bệnh gì? Cách trị mỏi cổ và gối ngủ hỗ trợ
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến chủ đề 7 đốt sống cổ. Đây là bộ phận quan trọng của con người, cần được bảo vệ và hạn chế tối đa tổn thương. Bởi các tình trạng về cổ gáy có thể đem lại nhiều tác động xấu đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.